Gia tăng tai nạn xe khách:

Ám ảnh, sợ hãi trên từng cây số

ANTĐ - Các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng gần đây có xu hướng tăng trong đó, chiếm đến 80% có liên quan đến hoạt động xe khách. Dù đã siết chặt bằng  nhiều biện pháp cứng, nhưng loại hình vận tải này vẫn khiến ngành giao thông đau đầu, còn hành khách thì… sợ hãi.

Vụ tai nạn xe khách kinh hoàng ở Khánh Hòa ngày 7-6

Đánh đu với tử thần

Dư luận cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng với những vụ TNGT nghiêm trọng vừa xảy ra. Chỉ tính riêng từ ngày 7 đến 9-6, cả nước đã có 3 vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Khánh Hoà, Quảng Nam và Bà Rịa – Vũng Tàu làm 16 người chết, bị thương 45 người. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trịnh Ngọc Giao cho biết, kết quả điều tra ban đầu về vụ TNGT xảy ra đối với xe tải BKS: 72L-2354 tại Bà Rịa - Vũng Tàu do lái xe này và 1 xe tải khác chạy cùng chiều đã đua tốc độ song song. Khi thấy xe máy ngược chiều thì lái xe BKS: 72L-2354 đánh tay lái, phanh gấp làm xe quay ngược lại và lao vào 2 xe máy chạy ngược chiều làm 6 người chết. Vụ TNGT đối với xe khách Mai Linh vào ngày 9-6 bị lật tại đường tránh Vĩnh Điện, xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam do lái xe chạy quá tốc độ (90km/h) cộng với thời gian lái dài (xuất bến lúc 17h ngày 8-6 lúc bị nạn là 7h15 ngày 9-6). Vì vậy, lái xe có thể buồn ngủ, lạc tay lái dẫn đến xe bị lật nhiều vòng. Vụ tai nạn làm 3 người chết, 23 người bị thương. Vụ tai nạn xe khách ở Khánh Hòa vào ngày 7-6 vừa qua cũng khiến 7 người thiệt mạng, hơn 20 khác bị thương. Đây là chiếc xe khách chở giáo viên một trường học ở Đà Nẵng đi nghỉ mát dịp hè. Các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra đều do lái xe không làm chủ được tốc độ, không liên quan đến các phương tiện khác cũng như sự cố đường sá, xe có vấn đề.

Theo đánh giá từ Ủy ban ATGT Quốc gia, 5 tháng vừa qua, số người bị chết do TNGT tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do các tai nạn đặc biệt nghiêm trọng gây ra mà nguyên nhân chủ yếu liên quan đến xe khách. Báo cáo từ các cơ quan chức năng cho thấy, các vụ tai nạn xe khách chủ yếu liên quan đến xe chạy đường dài diễn ra vào ban đêm, rạng sáng. Không phải ngẫu nhiên khi nhắc đến tai nạn xe khách, nhiều người thường nói đến cụm từ “thảm khốc”. Khi xảy ra tai nạn như lật xe, xe lao xuống vực, đấu đầu xe trên đường… hậu quả của nó luôn khiến nhiều người phải “rùng mình”.

Hiện nay, hầu hết các xe khách xuất bến với hành trình dài từ 300km trở lên đều xuất phát vào tối, đêm. Nhiều lái xe khách đường dài thừa nhận, chạy đêm đường vắng, phụ xe có thể bắt khách thoải mái, chạy với tốc độ tối đa có thể nhưng lại không lo bị lực lượng chức năng bắn tốc độ, xử phạt. Lái xe Đặng Quang Hùng, người có thâm niên chạy tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh thừa nhận, xe khách chạy Bắc - Nam xuất phát từ sáng sớm, hay trưa chiều thì vẫn phải chạy qua đêm. Quãng đường 1.700 cây số ít nhiều cũng phải có một đêm trọn vẹn trên đường. Theo anh Hùng, đã là dân lái xe trong nghề, không lái xe nào mà không vi phạm tốc độ, nhất là xe khách đường dài. Khi nào đến chốt kiểm soát của Cảnh sát giao thông, các xe khách đều có “chiêu” thông báo cho nhau bằng cách nháy đèn xi nhan hoặc đèn pha để hãm tốc độ.

Xe khách Mai Linh bị tai nạn ngày 9-6, khiến 3 người chết, 31 người bị thương

Biết nguy hiểm nhưng bỏ ngoài tai

Nhiều quan chức đầu ngành giao thông nhận định, các vụ TNGT thảm khốc xảy ra hầu hết do lái xe chủ quan, chạy quá tốc độ cho phép, tránh vượt sai quy định, phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách. Ngoài ra, còn có lái xe chạy quá số giờ quy định, quá giờ cầm vô lăng không nghỉ ngơi, dẫn đến căng thẳng và gây tai nạn.

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, trên 90% nguyên nhân của những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng từ đầu năm đến nay là do chủ quan của người lái xe. Những vụ tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra vào khoảng từ 18h - 24h, đây là thời điểm có ít lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường nên lái xe thường “tranh thủ” phóng nhanh, vượt ẩu gây hậu quả đau lòng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, hệ lụy từ những TNGT thảm khốc trong thời gian qua do cả doanh nghiệp và nhà nước chưa có sự thay đổi cách nhìn nhận, cách quản lý, sử dụng đội ngũ lái xe.

Ông Hùng Nguyễn Mạnh nhìn nhận, những năm qua, các doanh nghiệp quản lý đội ngũ lái xe rất thiếu chặt chẽ và coi họ như đối tượng ở “chợ lao động” làm việc theo thời vụ. Do đó, đội ngũ lái xe không gắn bó với nghề. “Hiện nay, ở nước ta, phương thức tổ chức vận tải không tốt và có rất nhiều chồng chéo như cổ phần, hợp tác xã, cá thể hộ gia đình gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến việc lái xe chạy quá tốc độ quy định, lấn làn đường… Bản thân người lái xe cũng biết chạy quá tốc độ nguy hiểm nhưng tại sao người ta vẫn chạy quá tốc độ? Việc làm đó chẳng qua chỉ để “tranh cướp” khách trên đường, rút ngắn thời gian chạy xe”.

Lái xe không được làm việc quá 10 tiếng đồng hồ một ngày, không được cầm vô lăng liên tục quá 4 tiếng đồng hồ. Quy định đã có, nhưng làm thế nào để kiểm soát cũng như quản lý việc này lại không đơn giản. Hơn nữa, hầu như các doanh nghiệp vận tải hiện đều khoán trắng cho lái xe theo dạng doanh thu. Vì phải chạy theo doanh số, đủ tiền nộp về công ty đồng thời có lợi nhuận, buộc các lái xe dù biết không đảm bảo an toàn vẫn phải “nhắm mắt chạy liều”.

(Còn nữa)