Ám ảnh ngộ độc thực phẩm từ suất cơm công nghiệp giá rẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nếu như nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn tập thể là mối lo lớn nhất hiện nay thì trong đó 70% số vụ ngộ độc xảy ra từ những suất ăn chế biến sẵn được vận chuyển từ nơi khác đến. 

Ám ảnh ngộ độc thực phẩm từ suất cơm công nghiệp giá rẻ ảnh 1

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ các bếp ăn tập thể vẫn là một mối lo

Bữa ăn công nhân, sinh viên: Nỗi lo thật

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, 5 tháng đầu năm 2020, toàn quốc đã ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 870 người mắc, 824 người nhập viện điều trị và 22 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 11 vụ (29,7%) ngộ độc thực phẩm, số người mắc tăng 18 trường hợp và tử vong tăng 17 ca. 

Thời tiết nóng nực trong mùa hè càng khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm gia tăng do thực phẩm nhanh bị ôi thiu. Thực tế từ đầu mùa hè 2020, tại Hà Nội và một số tỉnh thành trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể với hàng trăm người phải nhập viện, cũng đã có những ca tử vong. Chẳng hạn, tại Hà Nội, ngày 12-5 đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể sau bữa ăn trưa tại bếp ăn của Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam (Mê Linh, Hà Nội) khiến 39 công nhân phải nhập viện.

Theo đánh giá của Cục ATTP, tình hình ATTP tại các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp vẫn rất phức tạp. Lý do vì vẫn còn một bộ phận không nhỏ cơ sở có nhu cầu, chấp nhận sử dụng thực phẩm giá rẻ, không đảm bảo ATTP. Hơn nữa, nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp rất đa dạng, khó kiểm soát ATTP triệt để. Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về ATTP (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển...).

Bên cạnh đó, bản thân các cấp chính quyền địa phương, Ban quản lý các khu công nghiệp, chủ các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ăn uống không nắm rõ hoạt động của bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn; khoán công tác bảo đảm ATTP cho nhà thầu cung cấp suất ăn cho công nhân; khoán cho bộ phận hành chính nên công tác bảo đảm ATTP hiệu quả thực hiện thường thấp và thực hiện không triệt để.

Qua phân tích của Cục ATTP, các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể xảy ra nhiều nhất tại những bếp ăn trong khu chế xuất, khu công nghiệp ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, tiếp đến mới là bếp ăn tập thể ở các trường học, cơ quan… Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP nêu rõ, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể là do sử dụng suất ăn công nghiệp (suất ăn chế biến sẵn) từ nơi khác vận chuyển đến, không được bảo quản tốt.

Những đối tượng như công nhân, học sinh - sinh viên... thường có thu nhập thấp nên có xu hướng chọn lựa các loại thực phẩm rẻ tiền, suất ăn giá rẻ và nguy cơ mất an toàn thực phẩm đương nhiên cũng cao hơn. “Một trong những vấn đề đáng cảnh báo là việc các bếp ăn tập thể sử dụng nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn công nghiệp không đảm bảo an toàn” - PGS.TS Nguyễn Thanh Phong nói.

Ám ảnh ngộ độc thực phẩm từ suất cơm công nghiệp giá rẻ ảnh 2Sở Y tế Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một bếp ăn tập thể

Thanh tra, kiểm tra: Chưa đủ

Một trong những giải pháp thường được đề cập đầu tiên trong lĩnh vực đảm bảo ATVSTP là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, ngay từ đầu mùa hè, Sở Y tế, Chi cục ATVSTP thành phố đã có những văn bản chỉ đạo, yêu cầu các lực lượng liên quan, cơ quan chuyên môn của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất; xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí đình chỉ hoạt động với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, cơ sở chế biến thực phẩm và công khai cơ sở vi phạm để cảnh báo đến người tiêu dùng. 

Chỉ tính trong quý II-2020, Hà Nội đã tổ chức trên 800 đoàn thanh, kiểm tra về ATTP, số cơ sở được thanh, kiểm tra là 27.727 lượt phát hiện hơn 1.900 cơ sở vi phạm, phạt tiền gần 7 tỷ đồng. Đặc biệt, đã kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người tại 15 quận, huyện, thị xã; nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể tại trường học; yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, đơn vị… phải có ký kết với các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm hoặc chịu trách nhiệm bảo đảm ATTP cho đơn vị. 

Cùng với đó, Hà Nội đã kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác ATTP, phân công, phân cấp quản lý rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong đảm bảo an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn.

Trên phạm vi cả nước, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, để ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể xảy ra, Cục này đã yêu cầu các địa phương bố trí cán bộ đặc trách nắm chắc các đối tượng cung cấp thức ăn sẵn, xây dựng kế hoạch kiểm soát phù hợp đối với từng khu chế xuất, khu công nghiệp, từng bếp ăn tập thể. Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, nếu chỉ thanh kiểm tra, xử phạt thôi là chưa đủ mà cần đẩy mạnh truyền thông thay đổi nhận thức, và quan trọng không kém là cần nghiên cứu, đề xuất chính sách can thiệp về giá thành tối thiểu, khuyến cáo về định mức dinh dưỡng của một suất ăn sẵn cho công nhân.

Hướng dẫn đảm bảo an toàn thực phẩm tại nhà hàng, gia đình 

Bộ Y tế vừa cung cấp thêm 3 tờ rơi với nội dung hướng dẫn bảo đảm ATTP bếp ăn tập thể nhà hàng, gia đình, siêu thị phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, đối với chợ và siêu thị phải bảo đảm có đủ nước đạt tiêu chuẩn, bố trí khu vực kinh doanh sản phẩm động vật, rau, củ, quả, đồ uống, sản phẩm đông lạnh riêng biệt, tránh nhiễm chéo. Tại khu vực kinh doanh và kho hàng phải bảo đảm phòng, chống côn trùng và động vật gây hại. Ngoài ra, bảo đảm có đủ trang thiết bị, dụng cụ gắp, kẹp thực phẩm chuyên dụng riêng biệt cho thực phẩm tươi sống...

Với bếp ăn tập thể của nhà hàng và bếp ăn của gia đình, ngoài việc bảo đảm nguồn nước đạt tiêu chuẩn cần thiết kế khu chế biến không được nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến. Mặt khác, sử dụng dao thớt, dụng cụ chứa đựng riêng cho thực phẩm chín và sống; dụng cụ, trang thiết bị chế biến phải vệ sinh sạch sẽ, được khử trùng. Trang bị đủ xà phòng rửa tay, dung dịch vệ sinh bề mặt bếp, sàn nhà, tay nắm cửa…

Hà Nội đứng đầu bảng về quản lý an toàn thực phẩm

Theo số liệu kết quả xếp hạng các địa phương về công tác quản lý ATTP nông, lâm sản vừa được công bố, Hà Nội là địa phương đứng đầu bảng về quản lý ATTP. Để có được kết quả này, ngoài việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thời gian qua, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã tập trung xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; đẩy mạnh mở rộng kênh phân phối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn thông qua siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Đặc biệt, Hà Nội đã triển khai và duy trì hiệu quả nhiều chương trình, mô hình điểm về ATTP như bảo đảm ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, ATTP tuyến phố văn minh tại 30/30 quận, huyện, thị xã; tuyến phố ATTP có kiểm soát tại 12 quận, huyện; kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người tại 15 quận, huyện, thị xã...

“Khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể là do sử dụng suất ăn công nghiệp (suất ăn chế biến sẵn) từ nơi khác vận chuyển đến, không được bảo quản tốt. Những đối tượng như công nhân, học sinh - sinh viên... thường có thu nhập thấp nên có xu hướng chọn lựa các loại thực phẩm rẻ tiền, suất ăn giá rẻ và nguy cơ mất an toàn thực phẩm đương nhiên cũng cao hơn. Một trong những vấn đề đáng cảnh báo là việc các bếp ăn tập thể sử dụng nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn công nghiệp không đảm bảo an toàn”. 

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong (Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế)