Ai là chủ sở hữu bản Quốc ca Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan tới bản Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong trận đội tuyển Việt Nam-Lào tối ngày 6-12, luật sư Tám Trần, luật sư bản quyền công ty IPCom Việt Nam đã có những giải thích cụ thể hơn về quyền sở hữu trí tuệ đối với bản Quốc ca Việt Nam, đặc biệt, trong trường hợp phát sóng trên nền tảng số.

Theo luật sư Tám Trần, với một ca khúc được phổ biến đến công chúng có rất nhiều quyền liên quan. Trước hết là quyền tác giả. Đây là quyền của người sáng tạo ra ca khúc đó, trong nhiều trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu.

Thứ hai là quyền của chủ sở hữu. Trong trường hợp của Quốc ca (Tiến quân ca) thì chủ sở hữu là Nhà nước (và nhân dân) Việt Nam.

Thứ ba là quyền liên quan đối với bản ghi âm ghi hình, chương trình biểu diễn, tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa ... Quyền sở hữu các quyền liên quan thuộc về chủ đầu tư tạo lên các đối tượng trên, nếu các đối tượng này được tạo ra hợp pháp. Tức là được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Ngoài ra, còn có quyền nhân thân dành cho các nghệ sĩ biểu diễn là các ca sĩ, nhạc sĩ, vũ công...

"Xét cụ thể bài Quốc ca Việt Nam, bất kỳ đơn vị nào tạo ra bản ghi âm hợp pháp ca khúc này, đều là chủ sở hữu bản ghi âm đó. Nếu ai đó sử dụng lại bản ghi âm của người khác thì phải xin phép sử dụng. Sở hữu bản ghi âm và cấp quyền sử dụng một bản ghi âm không đồng nghĩa với việc sở hữu quyền tác giả ca khúc", luật sư Tám Trần giải thích.

Trở lại với trận đội tuyển Việt Nam và Lào, Next Sports đã tắt tiếng bản Quốc ca Việt Nam, luật sư Tám Trần cho rằng, Next Sports phải chắc chắn quyền kinh doanh khi họ đã bỏ tiền để mua quyền phát sóng, phân phối nội dung từ ban tổ chức - người giữ bản quyền AFF Suzuki Cup. Việc cẩn trọng như vậy là cần thiết trong hoạt động kinh doanh của Next Sports. Nhưng xét về cảm xúc, phần lớn người hâm mộ Việt Nam đều rất khó chấp nhận điều này.

Và ở đây liệu có việc "nhận vơ" bản quyền Quốc ca Việt Nam? Luật sư Tám Trần cho rằng, cần xác định bản quốc thiều Việt Nam trong các trận đấu của đội tuyển Việt Nam là bản ghi thuộc sở hữu của ai. Ai là người mang bản ghi này đi trong các trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Từ đó mới xác định thực tế có việc "nhận vơ" và gắn Content ID một cách trái phép hay không?

Cũng từ sự việc này, dư luận đặt ra câu hỏi: Vậy giải pháp để việc phát Quốc ca trong các sự kiện, và trên nền tảng số đúng luật là gì?

Luật sư Tám Trần đề xuất, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần có quy định rõ ràng về việc sử dụng Quốc thiều, Quốc ca. Đồng thời, Bộ cũng nên có một bản ghi âm riêng và quy định cách thức sử dụng phù hợp.