“Ai không làm được việc thì phải chuyển đi”

ANTĐ - Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc về giao thông gây chấn động dư luận như sập cầu ở Lai Châu, máy bay của Malaysia Airlines mất tích. Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã trả lời người dân những vấn đề nóng về giao thông trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”.

“Ai không làm được việc thì phải chuyển đi” ảnh 1
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (thứ 2 từ phải sang) tới hiện trường 
vụ lật cầu treo có nhiều người chết và bị thương tại xã Chu Va, Lai Châu


- PV: Thưa Bộ trưởng, về vụ lật cầu treo Chu Va, ở Lai Châu, một cán bộ hưu hoan nghênh chỉ đạo kịp thời của Bộ trưởng ngay tại hiện trường, và đặc biệt ấn tượng với phát biểu: “Chúng ta còn nợ người dân Chu Va một lời xin lỗi” và kết luận về nguyên nhân vụ lật cầu. Xin hỏi Bộ trưởng là dựa trên cơ sở nào mà Bộ GTVT đã kiến nghị khởi tố vụ án?

- Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Chúng tôi đã cử ngay một tổ công tác độc lập lên để nghiên cứu hiện trường, xác định rõ nguyên nhân của vụ lật cầu không phải do người dân đi đông trên cầu và do việc thi công không đảm bảo theo yêu cầu thiết kế. Thiết diện chịu lực chỉ đảm bảo được 50%, quy trình chế tạo ắc neo không đúng dẫn đến đứt ắc neo gây lật cầu. Trên cơ sở căn cứ khoa học và thực tiễn chúng tôi báo cáo với Chính phủ, đề xuất Bộ Công an, UBND tỉnh Lai Châu khởi tố vụ án để xác định, truy cứu trách nhiệm những đơn vị, cá nhân có liên quan.

- Bộ trưởng đánh giá mức độ nghiêm trọng của những sai phạm được ghi trong kết luận chính thức của Bộ GTVT như thế nào?

- Vụ lật cầu là hết sức nghiêm trọng vì làm chết và bị thương nhiều người. Điều quan trọng hơn là làm mất niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi cũng đã xác định những việc làm khẩn trương để khắc phục hậu quả cũng như đề nghị khởi tố vụ án chính là lời xin lỗi người dân.

- Người dân tại TP.HCM viết thư cho biết:  “Mấy ngày gần đây khi đi máy bay tại Sân bay Tân Sơn Nhất, tôi thấy các biện pháp an ninh đã được tăng cường. Tôi rất ủng hộ yêu cầu của Bộ trưởng phải áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh cấp độ 1 ngay sau vụ mất tích của máy bay của Malaysia Airlines”. Xin được hỏi Bộ trưởng cụ thể kế hoạch đảm bảo an toàn cho hành khách bay trong thời gian tới như thế nào?

- Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao để kịp thời nắm bắt thông tin về các nhóm khủng bố, thông tin về các thủ đoạn, phương thức hoạt động khủng bố cũng như kiểm soát việc sử dụng hộ chiếu giả, giấy tờ giả để đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Chúng tôi đã đề xuất sửa đổi hơn 30 điều trong Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi). Trong đó có đề nghị nâng cao yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn hàng không hơn nữa. Cụ thể là tăng cường trang thiết bị hiện đại, cũng như nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn với những người trực tiếp làm công tác đảm bảo an ninh an toàn hàng không, chúng tôi đánh giá đảm bảo an ninh, an toàn hàng không là ưu tiên số 1 cho hoạt động hàng không dân dụng. Với việc áp dụng an ninh cấp độ 1 chắc chắn cũng ảnh hưởng, phiền hà cho người dân nên chúng tôi cũng mong mọi người cùng chia sẻ vì trước hết biện pháp này là để đảm bảo chính an toàn cho người dân.

- Người dân ở ven tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai thắc mắc là dự án đã triển khai được nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Vậy Bộ trưởng sẽ có biện pháp cụ thể nào để giải quyết các dự án giao thông trọng điểm hiện đang chậm tiến độ như cao tốc Nội Bài – Lào Cai, hoặc cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây?

- Nguyên nhân chậm tiến độ đầu tiên là do giải phóng mặt bằng, thứ hai là năng lực của Ban Quản lý dự án nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Nhiệm vụ của chúng tôi trước hết phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tuyên truyền vận động, tổ chức công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho người dân có nơi ở mới. Thứ hai là siết chặt quản lý các Ban Quản lý dự án, nâng cao chất lượng công tác tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Đối với các nhà thầu thi công, chúng tôi tổ chức phân loại cụ thể. Loại nào thì được thi công các công trình trọng điểm, loại nào thi công quốc lộ… Đặc biệt phải tăng cường kiểm tra giám sát của các lãnh đạo Bộ. Vì vậy các dự án trọng điểm đã khắc phục được tình trạng chậm tiến độ. Như dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, năm nay sẽ đảm bảo thông xe toàn tuyến. Các dự án giao thông trọng điểm hiện nay đã và đang đảm bảo tiến độ, vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng.

- Vừa qua Bộ GTVT được đánh giá là Bộ thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nhanh nhất. Tuy nhiên nhiệm vụ cổ phần hóa năm nay và năm 2015 vẫn còn nhiều khó khăn với các doanh nghiệp nhà nước như Vinashin, Vinalines. Trong những khó khăn đó nút thắt là sự trì hoãn của chính những người lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cần phải cổ phần hóa. Xin hỏi Bộ trưởng, giải pháp để gỡ nút thắt này là gì?

- Đây là nhiệm vụ chính trị, khi thực hiện phải quyết tâm làm bằng được để muộn vậy phải xác định trách nhiệm người đứng đầu. Cổ phần hóa, trước hết là trách nhiệm của Chủ tịch, Tổng Giám đốc các doanh nghiệp, trên nữa là Thứ trưởng, Bộ trưởng. Hiện nay đúng là có một số doanh nghiệp lừng khừng trong việc triển khai cổ phần hóa vì họ sợ làm xong không biết mình có được làm Chủ tịch, Tổng giám đốc nữa không. Thứ hai là khi thực hiện cổ phần hóa có cả “rừng” thủ tục. Tuy nhiên, chúng tôi đã xác định trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch, Tổng giám đốc khi thực hiện cổ phần hóa. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi sẽ điều chuyển đi làm nhiệm vụ khác.

- Thưa Bộ trưởng, đã có trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nào bị điều chuyển đi vì chậm tiến độ cổ phần hóa chưa?

- Thực tế đã có. Ví dụ như ở Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8. Trong thời gian tới, không chỉ không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa mà cả những nhiệm vụ khác nếu không hoàn thành cũng sẽ bị điều chuyển đi nơi khác. Giao nhiệm vụ cho anh mà anh không làm, hoặc làm chậm thì phải điều đi làm nhiệm vụ khác phù hợp để những người xứng đáng hơn đảm nhiệm.