Ai dạy HLV cách... làm thầy?

ANTĐ - Chưa bao giờ hình ảnh HLV  lại xấu xí như lúc này. Không lâu sau vụ 5 thành viên BHL U17 Hà Nội T&T đánh nhau với lái xe taxi tới mức đôi bên phải nhập viện, đến lượt BHL đội Thăng Long xúi học trò nghỉ đá để phản ứng quyết định của trọng tài trong trận gặp Phú Yên tại tứ kết U11 Quốc gia. 

HLV Võ Quốc Ninh bị treo quyền chỉ đạo hai trận vì hành vi phản cảm trong trận đấu 
U15 Kiên Giang - U15 Đồng Tháp vào ngày 5-8. Ảnh: Dương Thu

Tai tiếng hơn cả là vụ HLV Võ Quốc Ninh của đội Kiên Giang trước tai mắt của hàng trăm khán giả đã lớn tiếng “ra lệnh” cho học trò “đá gẫy chân nó đi, lấy hết thẻ đỏ cũng được” tại trận gặp Đồng Tháp hôm 5-8, thuộc vòng loại giải U15 Quốc gia. “Tuân lệnh” thầy, các cầu thủ Kiên Giang sau đó triệt hạ đối phương không thương tiếc để lĩnh thêm 9 thẻ vàng, 3 thẻ đỏ. Sau trận, ông Võ Quốc Ninh thừa nhận mình sai và lý giải vì tính nóng. Dưới sự “dìu dắt” của “ông thầy nóng tính” này, U15 Kiên Giang mới đá có 3 trận (thắng 1, thua 2) đã “ăn” 18 thẻ vàng, 6 thẻ đỏ và bị loại dù vẫn còn một trận chưa đấu.

Cả 3 vụ việc đều đến từ các “ông thầy” đang dẫn dắt các đội thi đấu giải trẻ quốc gia (U11, U15, U17), nơi nuôi dưỡng, cung cấp cầu thủ tương lai cho ĐTQG. Ở đó, các cầu thủ như những tờ giấy trắng đang bị vấy đen sau những hành động xấu xí của “ông thầy”. Và thay vì phải xử mạnh, xử nghiêm vì tương lai nền bóng đá, giới quản lý lại có vẻ nương tay. Hai trong 3 vụ việc kể trên, các “ông thầy” lại được trắng án. Chỉ lo HLV Võ Quốc Ninh, bị phạt 3 triệu đồng, treo giò 2 trận – một mức án quá nhẹ cho một hành vi xấu xí, gây nhiều hệ lụy.

Chia sẻ với phóng viên ANTĐ, Trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường ngao ngán: “Mang tiếng thầy mà không gương mẫu, cư xử thiếu văn hóa như thế thì làm sao học trò nể trọng, làm sao mà dạy trò được. Tôi cũng 40 năm làm thầy  nên rất dị ứng với cách hành xử của HLV Võ Quốc Ninh”. Còn với tư cách Trưởng ban Kỷ luật với nhiều năm theo dõi bóng đá nước nhà, ông Hường thẳng thắn: “Đa số HLV đội trẻ ở mình đều không qua trường lớp nào hoặc có chăng chỉ là khóa ngắn hạn không mấy uy tín, rồi cũng cầm sa bàn dạy cầu thủ trẻ”. Ông Hường chia sẻ câu chuyện: “Hơn 40 năm trước tôi có đi thực tập tại một CLB hạng Nhì của Đức. Cầu thủ của họ mới 8-10 tuổi đã am hiểu luật rồi vì được HLV truyền dạy nghiêm túc. Còn ở mình, nhiều HLV làm nghề mà chưa bao giờ thấy cầm quyển luật đọc, tới lúc bị phạt thì mới ớ ra, nói gì đến chuyện dạy luật cho học trò. Cũng ở Đức, đến người quét rác cũng phải qua trường lớp đào tạo mới được hành nghề, còn Việt Nam, người ta dễ dãi giao tương lai các cầu thủ trẻ, tương lai nền bóng đá cho những ông thầy thiếu chuẩn mực”.

Từ 3 vụ việc trên tới lời ông Trưởng ban Kỷ luật, giật mình tự hỏi: Hình như ở Việt Nam, không ai dạy các HLV cách… làm thầy?