Hàng nghìn điểm 0 môn Lịch sử:

Ai cũng thấy có “vấn đề”, nhưng…

ANTĐ - Ngày 2-8, GS.TSKH Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, không thể xem nhẹ hiện tượng có hàng nghìn điểm O môn Lịch sử.

- Ông suy nghĩ gì về hiện tượng hàng nghìn điểm 0 môn Sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học - cao đẳng, vừa qua?

- Sự băn khoăn, trăn trở của dư luận xã hội đối với số lượng lớn điểm 0 môn Sử là hoàn toàn xác đáng. Môn Sử là một bộ phận kiến thức rất cần thiết cho mỗi học sinh phổ thông Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, kiến thức lịch sử cùng với kiến thức các môn xã hội nhân văn khác còn đóng vai trò quan trọng hình thành nên nhân cách, nhận thức và nhân sinh quan của học sinh. Như mọi người vẫn thường nói ý nghĩa của kiến thức lịch sử còn xây dựng, hun đúc lòng yêu nước của giới trẻ. Do vậy, ngành giáo dục và xã hội cần quan tâm đặc biệt đến hiện tượng điểm 0 tràn lan vừa qua để có giải pháp khắc phục.

- Môn Sử góp phần hình thành nhân cách học sinh nên không thể xem quá nhiều điểm thi kém là chuyện bình thường?

- Đúng là không được xem nhẹ hiện tượng nhiều điểm 0. Có thể đi thi các thí sinh có nhiều điểm kém nhưng việc có nhiều điểm 0 thì thể hiện các em không hiểu biết một chút gì về lịch sử đất nước và điều đó không thể chấp nhận được. Vì thế, tôi cho rằng, chúng ta cần phải tạo cho học trò ý thức hơn trong việc học lịch sử. Bên cạnh đó, phải có phương pháp truyền đạt hấp dẫn để đi vào tâm tư tình cảm của các em, chứ không nên theo kiểu áp đặt.

Tuy nhiên, cần lưu ý một điều là khi truyền đạt kiến thức lại thiên về diễn biến lịch sử, thời gian cụ thể… thì sẽ là lựa chọn không đúng. Khi tổ chức thi cũng phải xác định việc ra đề thi theo mục tiêu sàng lọc, phân loại, cần có câu hỏi theo cách đánh giá kiến thức mà học trò nắm được dù ít, dù nhiều về các sự kiện, ý nghĩa lịch sử mà các em được học. Có thể các em không có khả năng phân tích sâu, nắm quá chi tiết nhưng vẫn nắm được mức tối thiểu thì vẫn chấm được điểm.

-  Như vậy là cần có sự điều chỉnh nội dung sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy môn Lịch sử?

- Từ sự kiện vừa qua cho thấy, cần có sự điều chỉnh lại nội dung, phương pháp giảng dạy đối với các môn xã hội nhân văn, đặc biệt là môn Sử. Tất nhiên, để làm được điều này cần có các cuộc khảo sát để có các đánh giá, rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, cần có ý kiến để trao đổi với Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện.

 
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nên coi sử học là ngụ ngôn, chứ không phải là tri thức chính xác


Nói về tình trạng hàng nghìn điểm 0 môn Lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Chuyện này tồn tại từ lâu và đến nay vấn đề không được cải thiện mà còn trầm trọng hơn. Dư luận xã hội nói nhiều, giới sử học chúng tôi trong đó có thầy dạy sử cũng rất day dứt, cảm thấy mình có lỗi phần nào. Nhưng thực tế là mười mấy năm nay, sách giáo khoa lịch sử gần như không thay đổi thì làm sao tác động trực tiếp đến việc học của học sinh. Không phải là các nhà giáo dục và giới sử học chúng tôi chưa từng ngồi lại với nhau, nhưng để thay đổi một cơ chế khó lắm. Ai cũng thấy sách giáo khoa hiện nay có vấn đề, nhưng nói mãi mà có thấy ai thay đổi đâu. Tôi cho rằng nên coi sử học là ngụ ngôn chứ không phải là tri thức chính xác, vì để chính xác các em có thể mở máy tính và tra mạng bất cứ lúc nào”.