Ai cũng muốn làm thầy

ANTĐ - Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều sinh viên bỏ dở chương trình đại học quay sang học nghề. Thậm chí cả cử nhân, thạc sĩ cũng từ bỏ “giấc mơ”, bằng cấp, học vị, bước vào trường dạy nghề vì có thể nắm lấy tương lai của mình một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thông tin như vậy và cho biết thêm, học nghề đang có nhiều cơ chế ưu đãi thu hút học viên như miễn giảm học phí, tạo cơ hội việc làm ngay sau khi ra trường.

Hấp dẫn hơn, từ năm 2015, học viên đạt chứng chỉ tay nghề cao sẽ có nhiều cơ hội được tuyển chọn việc làm ở các nước ASEAN với mức lương cả nghìn USD. Trước nay, học sinh học nghề thì được giảm 50% học phí, để thu hút học viên, sắp tới sẽ miễn hoàn toàn học phí. Hiện nay, khoảng cách giữa đào tạo nghề và nhu cầu lao động đang từng bước được rút ngắn. Các trường dạy nghề đang thắt chặt sợi dây liên kết với doanh nghiệp lo đầu ra cho học viên. Không ít học viên đi thực tập tốt, có hiệu quả đã được doanh nghiệp trả lương khá cao.

Nhiều trường đã tiến hành khảo sát để nắm bắt đòi hỏi sát thực của thị trường. Các trường đều có “thực đơn” để học viên lựa chọn dựa trên sở thích, năng lực, đồng thời có tư vấn ngành nghề phù hợp để khi ra trường có ngay việc làm. Từ năm tới, các nước ASEAN và Việt Nam sẽ gắn kết thành một thị trường lao động thống nhất. Các nước sẽ công nhận trình độ lẫn nhau thông qua khung chuẩn với 8 thang bậc. Mỗi bậc nghề có một bậc lương tương xứng, chẳng hạn trình độ nghề cao đẳng ở Singapore có mức lương 3.000USD/tháng. Cơ hội sẽ rất nhiều, bởi lao động Việt Nam vốn được đánh giá cao trong các kỳ thi nghề châu Á như nghề điện tử, quản trị du lịch, nấu ăn, thủy thủ, tàu biển…

Có một thực trạng là, nhiều trường trung cấp nghề ở các địa phương lay lắt vì tuyển được quá ít học viên. Trung bình mỗi năm, hệ thống các trường chỉ tuyển được 200.000 học viên. Tổng cục Dạy nghề đang “đau đầu” giải bài toán này bằng cách buộc sáp nhập các trường thành trung tâm dạy nghề. Một giải pháp căn cơ là phải cơ cấu lại nguồn lực lao động ngay từ trong giáo dục phổ thông. Theo đó, cơ cấu nhân lực nước ta chỉ cần 10% lao động có bằng cấp, 40% lao động tay nghề kỹ thuật cao, còn lại là lao động phổ thông. Đây là cơ cấu phổ biến ở hầu hết các nước phát triển và đang phát triển, trong khi cơ cấu này ở nước ta đang nghiêng lệch quá mức bởi ai cũng muốn làm thầy!