Ai chịu trách nhiệm trong vụ nổ lò hơi khiến 9 người thương vong ở Bắc Ninh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, tại huyện Quế Võ, Bắc Ninh đã xảy ra vụ nổ lò hơi khiến 3 người chết, 6 người bị thương. Dư luận đặt câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm đối với sự cố nghiêm trọng gây chết nhiều người này?

Vụ nổ nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần gạch ốp lát BNC (Khu công nghiệp Quế Võ 2, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Theo kết quả điều tra ban đầu, đây là vụ nổ khí hóa than tại trạm khí hóa than của Công ty BNC. Hiện Công an tỉnh Bắc Ninh đang khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc.

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Nếu cơ quan chức năng xác định được nạn nhân trong vụ nổ lò hơi thuộc trường hợp tai nạn lao động thì theo Điều 38 Luật này, dù cho lỗi thuộc về bên nào thì người sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm bồi thường đối với người lao động bị tai nạn.

Hiện trường vụ nổ lò hơi khiến 9 người thương vong

Hiện trường vụ nổ lò hơi khiến 9 người thương vong

Trường hợp xác định định được có lỗi do người sử dụng lao động không tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn lao động thì cơ quan có chức năng quản lý, giám sát trên địa bàn xảy ra vụ việc cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, sau khi có kết luận của cơ quan chức năng liên quan đến yếu tố lỗi, mức độ suy giảm khả năng lao động, nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động sẽ xác định mức bồi thường.

Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Ngoài ra, người sử dụng lao động phải trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

Nếu người lao động đủ điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động theo Điều 45 thì sẽ được trợ cấp tùy theo suy giảm khả năng lao động. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5%-30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Đối với người lao động chết do tai nạn lao động, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp quy định.

Trong vụ việc trên, nếu xác định có hành vi vi phạm an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người.

Theo Điều 295 BLHS 2015, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-12 năm – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.