Ai chịu trách nhiệm sau vụ ba học sinh thương vong khi chơi tàu lượn ở khu du lịch Đảo Ngọc Xanh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến ba học sinh gặp nạn; trong đó, một em tử vong trên đường đi cấp cứu, hai em khác bị thương nặng.

Sau vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi: Trách nhiệm pháp lý của Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh được xác định ra sao theo quy định hiện hành?

Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm xảy ra tai nạn, hệ thống trò chơi tàu lượn ở khu du lịch Đảo Ngọc Xanh đang vận hành thì bất ngờ gặp sự cố, một khoang chở khách văng ra khỏi hệ thống đường ray gây tai nạn cho 3 học sinh. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, khu du lịch này đã bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động. Hiện nguyên nhân vụ việc đang được xác minh, làm rõ.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, do đây là một vụ tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của học sinh nên cơ quan công an sẽ xác minh làm rõ hệ thống tàu lượn này có đảm bảo tiêu chuẩn, kĩ thuật và tuân thủ quy định về bảo trì, bảo dưỡng hay không.

Hệ thống tàu lượn siêu tốc tại khu du lịch

Hệ thống tàu lượn siêu tốc tại khu du lịch

"Tàu lượn siêu tốc là trò chơi mạo hiểm được nhiều người ưa thích. Để đảm bảo an toàn cho người chơi, việc quản lý, vận hành, sử dụng, bảo dưỡng tàu lượn được quy định khá chặt chẽ" - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Đơn vị lắp đặt, vận hành loại thiết bị, trò chơi này phải đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật, quy trình về việc bảo dưỡng, bảo trì, kiểm tra, sửa chữa kịp thời những lỗi, hư hỏng phát sinh. Phương tiện này chỉ được phép hoạt động khi đã đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật, an toàn và có xác nhận, kiểm định của cơ quan chức năng.

Trường hợp đơn vị sử dụng đã tuân thủ các quy định về lắp đặt, bảo quản, bảo dưỡng, quy trình sử dụng theo quy định nhưng tai nạn vẫn xảy ra ngoài ý muốn thì trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra.

Song theo quy định của BLDS 2015, đơn vị quản lý vẫn phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho nạn nhân theo quy định của pháp luật. Mức bồi thường cụ thể do hai bên thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, trường hợp có căn cứ cho rằng tàu lượn này chưa được cơ quan chức năng cho phép đưa vào sử dụng hoặc có lỗi trong quá trình quản lý, vận hành dẫn đến hậu quả tai nạn nghiêm trọng thì người trách nhiệm liên quan có thể bị xử lý hình sự về tội “Vô ý làm chết người” do vi phạm quy tắc hành chính hoặc quy tắc nghề nghiệp theo Điều 129 BLHS 2015 sửa đổi.

Theo đó, người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 5-12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Điều đáng nói là, vụ tai nạn tàu lượn trên không phải hi hữu. Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, cơ quan chức năng cần kiểm tra rà soát tất cả các phương tiện trò chơi nguy hiểm, tăng cường công tác quản lý, chỉ cho phép lắp đặt, sử dụng khi đã kiểm định, kiểm tra thiết bị nghiêm ngặt, chuẩn xác - Luật sư Hồng Vân đề xuất.