Ai Cập không cho Nga khôi phục căn cứ quân sự Sidi-Barrani

ANTD.VN - Ngày 17/10, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố rằng, nước này chưa có và sẽ không bao giờ có căn cứ quân sự nước ngoài, bất kể đó là các đối tác quan trọng như Nga hay Mỹ.

Tuyên bố trên được ông al-Sisi đưa ra trong cuộc phỏng vấn của tờ báo hàng đầu của Ai Cập al-Ahram, nhằm trả lời câu hỏi về vấn đề vừa qua một số quan chức quốc phòng Nga đã đề cập đến việc Nga đang tái khôi phục các căn cứ quân sự của Liên Xô cũ ở Ai Cập.

Trước đó, tờ báo Nga Izvestia dẫn nguồn từ giới ngoại giao và quốc phòng Nga đưa tin rằng, Moscow đang đàm phán với Cairo về việc cho Nga thuê một số căn cứ quân sự của Ai Cập, trong đó có căn cứ không quân Xô-viết tại thành phố Sidi-Barrani.

“Đáng tiếc là một số phương tiện truyền thông trong nước vội vã dẫn tin mà không chịu kiểm tra tính xác thực. Không có căn cứ quân sự của Nga hay các quốc gia khác ở Ai Cập và sẽ không bao giờ có” - tờ al-Ahram dẫn lời nhà lãnh đạo quốc gia al-Sisi.

Đại diện chính thức cho chính quyền của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi là ông Ala Yousef cũng đã phủ nhận thông tin của báo Nga và nhấn mạnh rằng “Ai Cập giữ vững lập trường kiên định, từ chối việc lập căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình”.

Hiện nay, quan hệ giữa Nga và Ai Cập được cho là khá tốt, với việc hai nước tổ chức loạt cuộc tập trận song phương, tăng cường các hoạt động thăm viếng lẫn nhau, đồng thời cũng đã ký kết hàng loạt thương vụ mua bán vũ khí, trị giá hàng tỷ USD.

Tuyên bố của Tổng thống al-Sisi được đưa ra trong bối cảnh Nga và Ai Cập đang tổ chức cuộc tập trận chung chống khủng bố mang tên "Bảo vệ tình hữu nghị - 2016", diễn ra tại Ai Cập từ ngày 15 đến 26-10, với sự tham gia của quan sát viên đến từ hơn 30 quốc gia.

Tàu Tarantul mang tên lửa Moskit, được Nga “biếu” cho Ai Cập sau thương vụ MiG-29

Ngoài ra, trong mấy ngày qua, một thông tin khá sốc được vg-news.ru dẫn nguồn từ Kênh truyền hình SIS TV của Ai Cập cho biết, cặp tàu sân bay trực thăng thuộc lớp Mistral mang tên Sevastopol và Vladivostok do Pháp sản xuất cuối cùng sẽ quay về khách hàng ban đầu là Nga.

Ai Cập đã mua cặp tàu Mistral từ Pháp hồi cuối năm 2015. Ngay sau quyết định mua sắm trên, hàng loạt nghi ngờ về mục đích thực sự của Ai Cập đã được đặt ra. Đặc biệt là tại sao Cairo lại cần cặp tàu đổ bộ cỡ lớn như vậy trong khi lực lượng quân sự của họ có quy mô rất nhỏ.

SIS TV lí giải: "Thực chất cặp tàu Mistral của Ai Cập do tỷ phú Nassef Onsi Sawiris tự bỏ tiền túi mua, sau đó ông sẽ bán lại cho Nga với giá rẻ bất ngờ - chỉ với 1 USD".

SIS TV nhấn mạnh rằng, thương vụ này đã được đích thân Tổng thống Abdul Fattah Khalil Al-Sisi thông qua. Việc bán lại cặp tàu Mistral cho Nga là bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng,

Ngay sau khi thông tin này lên sóng, hàng loạt nghi vấn đặt ra rằng đây chỉ là kịch bản mà trong đó, Pháp đã cùng với Nga và Ai Cập đã lách khỏi những biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu đối với Moscow, để trao lại 2 tàu mà Nga đang thèm muốn.

Tuyên bố của Tổng thống al-Sisi cho thấy, mặc dù quan hệ Nga-Ai Cập đang rất tốt đẹp nhưng Cairo vẫn kiên trì với chính sách đa phương hóa quan hệ hợp tác quốc phòng, đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở nước này.