Afghanistan thêm khó khăn sau động đất khiến hơn 1.000 người thiệt mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 23-6, các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ vẫn tiếp diễn sau 1 ngày xảy ra động đất làm rung chuyển miền Đông Afghanistan. Trận thiên tai này là một đòn nặng nề đối với một quốc gia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo nghiêm trọng.
Các nạn nhân động đất được đưa đến bệnh viện ở tỉnh Paktika lân cận

Các nạn nhân động đất được đưa đến bệnh viện ở tỉnh Paktika lân cận

Thiệt hại kinh hoàng

Trận động đất mạnh 5,9 độ richter xảy ra vào sáng sớm 22-6 gần thành phố Khost, sát biên giới Pakistan. Ngoài số người thiệt mạng, ít nhất 1.500 người bị thương nhưng các quan chức cảnh báo con số thương vong có thể sẽ tăng lên do nhiều gia đình đang ngủ trong nhà khi động đất xảy ra. Nhiều ngôi nhà trong khu vực được làm bằng bùn, gỗ và các vật liệu khác dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Trận động đất lại xảy ra cùng với những trận mưa lớn do gió mùa, làm tăng thêm nguy cơ sập đổ.

Các bức ảnh chụp từ tỉnh Paktika gần đó cho thấy, một vùng nông thôn miền núi nằm quanh tâm chấn nhà cửa hầu hết trở thành đống đổ nát. Khoảng 2.000 ngôi nhà đã bị phá hủy, theo Liên hợp quốc. Một số người lánh tạm ở nơi trú ẩn ngoài trời khi lực lượng cứu hộ rà soát những người sống sót bằng đèn pin.

Anh Karim Nyazai đang ở thủ phủ của tỉnh, khi nghe tin vội về nhà ngay lập tức thì thấy ngôi làng của mình bị tàn phá. “Gia đình tôi sống ở một ngôi làng hẻo lánh ở huyện Gyan. Ngay khi tìm được xe trở về, toàn bộ ngôi làng bị chôn vùi. Tôi đã mất 22 thành viên trong đại gia đình, bao gồm cả chị gái và 3 anh trai. Hơn 70 người trong làng đã mất”. Arup Khan, 22 tuổi, may mắn thoát nạn nhờ được kéo ra khỏi ngôi nhà bị sập, mô tả khoảnh khắc trận động đất xảy ra: “Đó là một tình huống kinh khủng. Tiếng khóc ở khắp mọi nơi. Những đứa trẻ và gia đình tôi đã ở dưới vũng bùn”.

Nhân viên y tế và cấp cứu từ khắp Afghanistan đang đổ về vùng động đất với sự hỗ trợ của một số cơ quan quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, sự trợ giúp có thể bị hạn chế do nhiều tổ chức nhân đạo đã rút khỏi quốc gia phụ thuộc vào viện trợ này sau khi Taliban nắm chính quyền vào tháng 8 năm ngoái.

Theo Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), thông tin bao gồm đánh giá thiệt hại hiện nay còn hạn chế, do viễn thông bị gián đoạn ở các vùng sâu, vùng xa và điều kiện thời tiết xấu cản trở giao thông. Trong lời kêu gọi sự hỗ trợ toàn cầu ngày 22-6, IFRC cho biết: “Afghanistan đang quay cuồng với ảnh hưởng của nhiều thập kỷ xung đột, hạn hán nghiêm trọng kéo dài, ảnh hưởng của các thảm họa liên quan đến khí hậu khắc nghiệt, chưa kể khó khăn kinh tế cùng cực, hệ thống y tế bị tàn phá. Do đó, nhu cầu về viện trợ nhân đạo sẽ rất lớn”.

Chính quyền Taliban kêu gọi trợ giúp quốc tế

Chính quyền Taliban đã triển khai các nguồn lực khẩn cấp, bao gồm một số máy bay trực thăng và hàng chục xe cứu thương, đồng thời tuyên bố hỗ trợ các gia đình nạn nhân. Cùng ngày xảy ra động đất, họ cũng đã kêu gọi viện trợ nước ngoài, cầu xin “sự hỗ trợ rộng rãi của tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế, cá nhân và quỹ cứu trợ”.

Trận động đất đã làm phức tạp thêm các thách thức mà Afghanistan gặp phải. Mặc dù, cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo dài nhiều năm do hậu quả của xung đột và hạn hán, nhưng sau khi Taliban tiếp quản, nền kinh tế nước này càng chìm sâu do Mỹ và các đồng minh đóng băng khoảng 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối và cắt nguồn tài trợ quốc tế. Nguồn vốn bị đóng băng khiến kinh tế Afghanistan tê liệt và không ít trong số 20 triệu dân rơi vào tình trạng đói nghèo nghiêm trọng.

Hôm 22-6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, họ đã huy động “tất cả các nguồn lực” đang còn hoạt động tại Afghanistan để cung cấp thuốc và hỗ trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, như một quan chức của WHO đã nói: “Các nguồn lực ở đây đều quá tải, chỗ nào cũng cần hỗ trợ”. Giới chuyên gia cho biết, các nhu cầu cấp bách nhất trước mắt bao gồm chăm sóc y tế và vận chuyển những người bị thương, tìm cho người dân phải sơ tán nơi ở tạm cũng như thức ăn, nước uống và quần áo. Liên hợp quốc đã phân phối vật tư y tế và cử các đội y tế lưu động đến Afghanistan nhưng cảnh báo rằng, nước này không có khả năng tìm kiếm và cứu nạn.

Ông Ramiz Alakbarov, Phó đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về Afghanistan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có thể cung cấp hỗ trợ nhiều nhất. Ngày 23-6, một phát ngôn viên của Taliban cho biết, viện trợ nhân đạo cũng đã đến từ Qatar, Iran và Pakistan, với các chuyến bay và xe tải chở các mặt hàng bao gồm thuốc men, lều và bạt. Ông Alakbarov, ước tính ban đầu Afghanistan có thể cần 15 triệu USD để ứng phó với thảm họa, nhưng con số có khả năng sẽ tiếp tục tăng khi thông tin về tình hình trên thực địa rõ ràng hơn.