Afghanistan: Dậy sóng chống Mỹ

ANTĐ -Chính quyền Mỹ đã phải lên tiếng xin lỗi về vụ việc binh lính Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan đốt Kinh Koran nhằm dập tắt ngọn lửa chống quân Mỹ cũng như quân đồng minh của Washington đang đóng quân tại quốc gia Nam Á này.

Biểu tình chống Mỹ và phản đối đốt Kinh Koran bên ngoài căn cứ Bagram

Lên tiếng trong cuộc họp báo tại Washington ngày 21-2, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ George Little đã chính thức xin lỗi về vụ Kinh Koran bị đốt tại căn cứ quân sự Bagram của Mỹ ở Afghanistan. Người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney cho rằng, vụ đốt Kinh Koran là “một tai nạn”, đồng thời khẳng định sự cố này không phản ánh thái độ của quân Mỹ đối với sinh hoạt tôn giáo của nhân dân Afghanistan.

Trước đó, Tư lệnh Mỹ tại Afghanistan John Allen cũng cho rằng, vụ đốt Kinh Koran không phải là hành động cố ý. Ông này cho biết thêm, quân Mỹ tại Afghanistan không có một quyết định nào về việc đốt các sách tôn giáo, trong đó có Kinh Koran, và quân Mỹ đã ngừng ngay lập tức việc tiêu hủy rác khi phát hiện có Kinh Koran trong các vật dụng bị đem đi đốt.

Việc các quan chức Mỹ từ Afghanistan tới Washington thi nhau lên tiếng thanh minh cũng như xin lỗi về vụ đốt Kinh Koran diễn ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình chống Mỹ đang dâng cao tại quốc gia Nam Á này. Làn sóng này bùng nổ ngay trong ngày 21-2 khi xuất hiện thông tin về việc lính Mỹ tại căn cứ quân sự Bagram (căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Afghanistan cách Thủ đô Kabul khoảng 60 km về phía Bắc) đã đốt bản sao một cuốn Kinh Koran.

Vụ việc được cho là báng bổ đối với cuốn kinh thiêng liêng nhất của người Hồi giáo này được phát hiện khi những người giúp việc địa phương tìm thấy một số cuốn kinh cháy dở trong một đống rác. Ngay khi tin tức này lọt ra ngoài ngày 21-2, khoảng hơn 2.000 người Afghanistan đã biểu tình phản đối dữ dội bên ngoài căn cứ quân sự Bagram.

Cuộc biểu tình phản đối lính Mỹ đốt Kinh Koran ngày 22-2 đã lan tới Thủ đô Kabul cùng nhiều thành phố khác của Afghanistan. Lời xin lỗi của đại diện quân đội và chính quyền Mỹ là chưa đủ để xoa dịu nỗi tức giận của người dân Afghanistan.

Đây không phải lần đầu tiên người Afghanistan xuống đường phản đối việc người Mỹ đốt Kinh Koran. Tháng 4-2011, một làn sóng biểu tình biến thành bạo động trên cả đất nước Afghanistan làm ít nhất 10 người thiệt mạng và 73 người khác bị thương để phản đối vụ một mục sư người Mỹ đốt Kinh Koran.

Vụ đốt Kinh Koran mới nhất vì thế ngày càng làm gia tăng sự giận dữ và chống đối của của người dân Afghanistan với Mỹ nói riêng cũng như quân đội các nước đồng minh của Mỹ đang đóng tại đất nước này. Và đó đang là điều khiến cả Mỹ và chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai lo ngại khi mà lực lượng quân Mỹ và đồng minh sẽ rút hết khỏi Afghanistan vào năm 2014, để gánh nặng an ninh lại cho quân Chính phủ Afghanistan gánh vác.

Bởi thế, Mỹ và chính quyền Tổng thống Karzai đang tìm mọi cách để sớm dập tắt làn sóng chống đối mới với Mỹ và quân đồng minh. Đồng thời với việc xin lỗi của chính quyền Mỹ, Tổng thống Karzai cũng tuyên bố sẽ thành lập một nhóm điều tra về vụ đốt Kinh Koran.