AEC thành lập: Lao động Việt Nam sẽ được lợi?

ANTĐ - Tại Hội thảo thị trường lao động Việt Nam sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập (AEC) diễn ra hôm qua (13-1), Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định, Việt Nam có nhiều cơ hội “thu hoạch” chất xám mới khi lao động được tự do dịch chuyển.

AEC thành lập: Lao động Việt Nam sẽ được lợi? ảnh 1Thị trường lao động ASEAN “khát” lao động có trình độ kỹ thuật

Cơ hội thu hoạch chất xám

Sự ra đời của AEC mở ra cơ hội thu hút nguồn lao động có kỹ năng cao giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN. Việc thông qua các thỏa thuận công nhận kỹ năng lẫn nhau trong 8 lĩnh vực (dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, hành nghề y khoa, nha khoa, kế toán, du lịch) tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động. Lao động Việt Nam có cơ hội tìm kiếm việc làm ở các quốc gia phát triển như Singapore, Thái Lan… do đó, nhiều chuyên gia lo ngại gia tăng khả năng chảy máu chất xám.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chia sẻ, theo kết quả khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các doanh nghiệp đều đang “khát” lao động có kỹ năng, tay nghề. Đây là tình trạng chung của các nước ASEAN chứ không riêng gì Việt Nam. Mục đích của việc dịch chuyển tự do là xây dựng một thị trường sản xuất chung, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước. Chúng ta vẫn có nhiều cơ hội “thu hoạch” chất xám mới từ các nước phát triển. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có trên 75 nghìn lao động nước ngoài đang làm việc. Trong đó, có rất nhiều lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao, người có quốc tịch châu Á chiếm khoảng 60%. 

Giám đốc Manpowergroup tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, Simon Matthews cho biết, Việt Nam có thể được hưởng lợi lớn trong vấn đề tạo việc làm, nâng cao chất lượng đời sống vật chất thông qua chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế. Theo dự báo, với việc hình thành AEC, đến năm 2025, Việt Nam có thể tạo ra khoảng 6 triệu việc làm, có nhiều khả năng thu hút được lao động chất lượng cao từ các nước đến làm việc.

Bên cạnh đó, so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam có thị trường lao động khá cởi mở, lao động nước ngoài gặp rất ít rào cản. Theo một nghiên cứu về thị trường lao động Thái Lan, nước này có 39 nghề cấm người nước ngoài làm việc, trong đó có những nghề nằm trong 8 nhóm nghề tự do dịch chuyển của ASEAN. Pháp luật Malaysia quy định, nếu tuyển lao động nước ngoài cần phải chứng minh được không có lao động trong nước làm việc đó.

Phải xây dựng rào cản kỹ thuật

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một trong những nước có cơ hội hưởng lợi lớn từ tác động của AEC về cả năng suất lao động lẫn khả năng tăng trưởng việc làm. Tuy nhiên, những thách thức buộc phải giải quyết trong thời gian tới vẫn còn đó. Cụ thể, số lượng việc làm tạo ra thêm khoảng 10% (tính đến năm 2025) nhưng chất lượng việc làm được đánh giá là không cao, 65% việc làm mới là dễ bị tổn thương (lao động tự làm, lao động gia đình).

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) Hà Thị Minh Đức cho biết, trên thực tế, việc thông qua và thực hiện các tiêu chuẩn lao động theo chuẩn quốc tế trong ASEAN còn nhiều hạn chế. Vì dù có thỏa thuận công nhận lẫn nhau nhưng khung trình độ quốc gia trong khối ASEAN vẫn còn khoảng cách đáng kể. Sức ép từ việc chênh lệch về trình độ phát triển thể hiện ở quy mô vốn của nền kinh tế, trình độ khoa học kỹ thuật, năng suất lao động còn thấp. Bên cạnh đó, việc vận hành hệ thống thông tin thị trường lao động còn “lệch pha” với nhu cầu thực tế. 

Để bảo vệ các vị trí việc làm mà lao động Việt Nam có thể đáp ứng, chúng ta cần phải xây dựng các rào cản kỹ thuật về điều kiện, giấy phép theo hướng hoàn thiện các biện pháp bảo hộ lao động trong nước, dịch chuyển lao động hợp lý. Cần làm tốt công tác dự báo nguồn lực, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với thị trường lao động bằng cách tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường khả năng cạnh tranh bằng việc chủ động đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, đưa các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động kinh doanh để thu hút lao động có chuyên môn, kỹ thuật.