Ác mộng khủng hoảng lương thực trong năm Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhìn bề ngoài, chiến dịch khuyến khích tiết kiệm đồ ăn ở Trung Quốc là một hoạt động vui vẻ khi mọi người đều hưởng ứng với những đĩa thức ăn sạch bóng. Nhưng đằng sau đó là một thực tế phũ phàng: Trung Quốc không có đủ thực phẩm cho tất cả mọi người, và phần lớn thế giới cũng vậy.

Bắc Kinh tuyên bố nước này không rơi vào khủng hoảng lương thực và cho biết họ có đủ lúa mì dự trữ để nuôi sống người dân trong 1 năm. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn tỏ ra lo lắng khi giá thịt lợn tăng 135% trong tháng 2 và lũ lụt cuốn trôi rau màu. 2 loại thực phẩm bị khan hàng nhất là thịt lợn và ngô, trong đó nguồn thịt lợn của quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề do nạn dịch tả lợn châu Phi và phần lớn vụ ngô trong năm bị lũ lụt phá hủy. Nhưng các nguồn thực phẩm tươi sống khác cũng đang bị thiếu hụt do đại dịch Covid-19 và lũ lụt - từ trứng, hải sản, đến rau xanh.

Trung Quốc phát động chương trình tiết kiệm, chống lãng phí thức ăn

Trung Quốc phát động chương trình tiết kiệm, chống lãng phí thức ăn

“Chiến dịch Đĩa ăn sạch”

Giải pháp của Bắc Kinh là “Chiến dịch Đĩa ăn sạch” được khởi động vào tháng 8-2020, với mục đích hạn chế việc sử dụng thực phẩm nhưng có thể tránh gây hoang mang về nạn thiếu lương thực cho công chúng. Giống như chương trình Vườn Chiến thắng của Mỹ trong Thế chiến thứ hai, chiến dịch này vừa tạo sự đoàn kết và cổ vũ tinh thần yêu nước trong thời kỳ khó khăn vừa nhằm đảm bảo nguồn cung cấp lương thực.

Các nhà hàng trên toàn quốc hưởng ứng sáng kiến “phục vụ nửa khẩu phần ăn”. Một số nơi như chuỗi cửa hàng vịt quay Bắc Kinh cao cấp Quanjude đã hướng dẫn các nhân viên phục vụ để thực khách không lãng phí. Có nơi phạt những khách hàng để lại quá nhiều đồ ăn trên đĩa của họ.

Tại một trường tiểu học ở miền Nam Trung Quốc, học sinh phải gửi cho giáo viên những đoạn video ngắn về bữa tối mỗi ngày để chứng nhận các em ăn hết khẩu phần của mình, tờ Nhân dân nhật báo cho biết. Một số căng tin của các trường đại học tặng trái cây và những món quà nhỏ khác cho những sinh viên ăn sạch bữa trưa.

Ngay cả tỷ phú Jack Ma, người sáng lập tập đoàn bán lẻ trực tuyến khổng lồ Alibaba, cũng tiết kiệm thực phẩm. Một video lan truyền gần đây cho thấy ông yêu cầu đóng hộp con cua và tôm hùm chưa ăn để mang về. “Gói nó lại. Tôi sẽ ăn trên máy bay”, tỷ phủ Jack Ma nói. Tất nhiên, các quan chức chính phủ bị cấm tổ chức những bữa tiệc xa hoa trong thời kỳ này.

Mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực

Khi chương trình tiết kiệm thức ăn có hiệu lực, lạm phát tổng thể về chi phí thực phẩm của Trung Quốc đã giảm xuống mức 8,8% hàng năm trong tháng 8 so với mức 10,2% trong tháng 7, mặc dù lạm phát rau quả đã tăng trở lại 2 con số do tiếp tục mưa lớn và lũ lụt.

Đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, chiến dịch tiết kiệm lương thực không chỉ là một biện pháp thực tế mà còn phản ánh nguyên tắc “chống chủ nghĩa vật chất và lãng phí” của ông, theo như nhận định của ông Joseph Torigian, giáo sư chuyên về chính trị Trung Quốc tại Đại học Hoa Kỳ, bang Washington.

Giáo sư Torigian cho biết, Xi Ganping, em gái của ông Tập Cận Bình từng viết rằng cha của họ là một người cực kỳ tiết kiệm thức ăn mặc dù ông là một quan chức cấp cao. “Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước những quy định nghiêm ngặt về tiết kiệm của ông. Ví dụ, khi ăn, ông không bao giờ cho phép chúng tôi bỏ một miếng cơm hay một chút thức ăn nào. Nếu con không cẩn thận và làm rơi một chút thức ăn, ngay lập tức ông sẽ nhặt lên và ăn”.

An ninh lương thực là một trong những mối quan tâm lâu đời nhất của Trung Quốc. Hàng triệu người dân nước này chết trong nạn đói từ năm 1959 đến năm 1962. Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đạt được những tiến triển kinh tế chưa từng có và là tiền đề cho ổn định về chính trị. Mục tiêu triệt xóa đói nghèo của Trung Quốc đang bị chững lại do vấp phải đại dịch Covid-19. Một trong những ngân hàng lương thực tư nhân hiếm hoi của Trung Quốc, Ngân hàng Thực phẩm Xanh Thượng Hải, cho biết, nhiều công nhân nhập cư của thành phố đang gặp khó khăn trong việc kiếm sống và đang cần hỗ trợ lương thực.

Vào tháng 6-2020, Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng thế giới đang đứng trước bờ vực của cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong 50 năm. Ông Arif Husain, nhà kinh tế trưởng của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, cho biết: “Ước tính khoảng 270 triệu người trên toàn cầu đang phải chịu nạn đói nghiêm trọng trong năm nay, gấp đôi số lượng năm ngoái. Con số này thậm chí không bao gồm Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia châu Âu theo truyền thống được coi là an toàn về thực phẩm, nơi Chương trình Lương thực Thế giới không theo dõi những dữ liệu đó”.