"Ác mộng" châu chấu trở lại, Đông Phi bị tàn phá nặng nề nhất trong 70 năm qua

ANTD.VN - Nạn châu chấu bùng phát mạnh nhất trong hàng chục năm trở lại đây đã khiến hàng loạt quốc gia châu Phi như Somalia, Kenya, Ethiopia lâm vào cuộc khủng hoảng mới. Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động ngay lập tức khi các quốc gia Đông Phi vốn vừa trải qua nạn đói tàn khốc lại tiếp tục chứng kiến đàn châu chấu bay tới đâu, mùa màng thất bát, đất đai trơ trọi tới đó.
Một đàn lớn châu chấu sa mạc đã xâm chiếm miền Bắc Kenya trong nhiều tuần, sau khi tàn phá khoảng 70.000 ha đất đai ở Somalia.
Qua quan sát, một đàn châu chấu bao phủ diện tích dài 60km, rộng 40km về phía Đông Bắc nước này
Mỗi kilomet vuông đất nông nghiệp, rộng gần bằng 250 sân bóng đá có thể chứa tới 150 triệu con châu chấu, chính quyền khu vực cho biết.
“Ngay cả những con bò đang tự hỏi điều gì đang xảy ra”, chị Ndunda Makanga, người đã mất hàng tiếng đồng hồ đuổi châu chấu khỏi trang trại của mình nói. “Ngô, lúa, đậu đũa… đã bị lũ châu chấu ăn sạch”.
Qua thống kê của Liên hợp quốc, ngay cả một đàn châu chấu nhỏ cũng có thể ăn hết diện tích cây trồng đủ cung cấp thức ăn cho 35.000 người/ngày
Sự bùng nổ của châu chấu sa mạc, được coi là loài châu chấu nguy hiểm nhất, cũng đã ảnh hưởng đến một số nơi ở Somalia, Ethiopia, Sudan, Djibouti và Eritrea.
Di chuyển theo gió, đàn cào cào châu chấu có thể bay tới 150km một ngày. Hiện giờ chúng đang hướng về phía Nam Sudan, nơi gần một nửa đất nước phải đối mặt với nạn đói kể từ sau nội chiến.
Loài sinh vật gây hại này cũng di chuyển đều đặn về phía Thung lũng Rift của Ethiopia, “vựa lúa mì” cho nước đông dân thứ hai châu Phi.
Biến đổi khí hậu đã góp phần tạo ra các điều kiện sinh sản đặc biệt cho loại côn trùng này, nhà khoa học về khí hậu Abubakr Salih Babiker ở Nairobi cho biết.
Người dân địa phương thực sự sợ hãi vì châu chấu có thể ăn hết mọi thứ.
Không chỉ cây lương thực, châu chấu ăn hết cả nguồn thức ăn cho gia súc, một nguồn sinh kế quan trọng. Vì thế, các gia đình ở Đông Phi hiện đang lo lắng không biết sắp tới họ sẽ sống thế nào
Tình hình rất tồi tệ nhưng nông dân đang chiến đấu với một trong những loài gây hại dai dẳng nhất trong lịch sử theo cách truyền thống.
Trong quá khứ, nhiều phương pháp đã được đề xuất như lưới khổng lồ, súng phun lửa, tia laser hay máy hút bụi khổng lồ… nhưng không thể kiểm soát châu chấu.
Người và chim cũng thường ăn châu chấu nhưng với đàn châu chấu lớn bất thường như vậy, mức độ tiêu thụ lớn cỡ nào cũng không thể giảm đáng kể số lượng đàn nói trên
Hiện chưa có biện pháp hữu hiệu nào để diệt châu chấu, trong khi chúng sẽ đẻ trứng và liên tục sản sinh ra các thế hệ tiếp theo
Khi mùa mưa đến vào tháng 3, mang theo thảm thực vật mới trên khắp khu vực, châu chấu sinh sản nhanh hơn, tăng số lượng đàn lên 500 lần trước khi thời tiết khô hơn vào tháng 6, hạn chế sự lây lan của chúng
Để giúp ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, các nhà chức trách phân tích hình ảnh vệ tinh, dự trữ thuốc trừ sâu và tiến hành phun thuốc từ trên không.
Kenya và Ethiopia đã có tất cả 8 máy bay rải thuốc trừ sâu. Nhưng ở Somalia, việc này không dễ dàng bởi nhiều nơi đang nằm dưới sự kiểm soát của nhóm cực đoan al-Shaidab liên kết với al-Qaida.
Liên hợp quốc cho hay, châu Phi đang cần khoảng 70 triệu USD để đẩy mạnh việc phun thuốc trừ sâu từ trên không, cách hiệu quả duy nhất để chống lại nạn châu chấu
Đợt bùng phát này đặt ra mối đe dọa chưa từng có đối với an ninh lương thực ở một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới, các quan chức khu vực nói.
Ngay cả trước khi dịch này bùng phát, gần 20 triệu người Đông Phi từ lâu cũng đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cao do hạn hán và lũ lụt định kỳ.
Một đợt bùng phát châu chấu lớn vào khoảng năm 2003-2005 đã gây thiệt hại hơn 2,5 tỷ USD. Tổ chức Lương thực thế giới cho biết, thế giới đã tiêu tốn hơn 500 triệu USD để có thể kiểm soát nạn châu chấu tại hơn 20 quốc gia ở Bắc Phi