Ác cảm khó xóa

ANTĐ - Tôi nhớ mãi thời học cấp 1, bà nội hay đi đón tôi. Một hôm, qua cửa hàng có treo một cái biển to, bà bảo tôi đọc. Tôi ậm ừ không đọc, chắc bà thử sức tôi. Bà kêu: “Trời ơi, chữ to tướng thế, dễ thế, mà cháu không đọc được. Thế thì đúp mất thôi”. Tôi thì thầm vào tai bà: “Tiệm cầm đồ, nhưng cháu không thích đọc cái chữ ấy”.

Lớn lên, xem báo, đọc truyện, và nghe nhiều người kể - đặc biệt, được chứng kiến những chuyện xảy ra trong gia đình họ hàng, tôi càng không thích “tiệm cầm đồ”. Tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng không hiểu sao vẫn có ác cảm đó. 

Tôi có một ông chú họ nghiện ma túy. Lúc đầu, chú nói chỉ lấy các thứ của bố mẹ. Quả nhiên, các thứ ấy, từ lớn đến bé đều đội nón ra đi. Xe máy, tivi, nồi cơm điện đến đôi giày, đôi dép... thôi thì “thượng vàng, hạ cám”, cái gì có thể cầm, bán được là chú họ tôi không tha. Nhà cửa trở nên trống huơ trống huếch, lạnh lẽo. 

Bố mẹ chú chẳng khá giả gì nhưng vì xót chú, thương chú, muốn cứu chú - con trai độc nhất nên chẳng ngại tốn kém, vất vả tìm mọi cách cho chú đi cai. Rồi chú trở về, nhưng “tít mù rồi lại vòng quanh”, chú lại tái nghiện và nghiện nặng. Túng làm liều, chú quên luôn lời tuyên bố hùng hồn trước kia: “Chỉ lấy các thứ của bố mẹ”. Vả lại, bây giờ bố mẹ chú còn gì đâu mà lấy. Chú bê luôn cả cái tivi của cụ ra hiệu cầm đồ. Có tiền, chú đi biến. Hết tiền, chú lại trở về, vẻ mặt lầm lì, thiểu não. Cả nhà tra mãi, chú lí nhí: “Con cầm tám trăm nghìn”. Cả nhà ra hiệu cầm đồ, định chuộc chiếc tivi về cho nhà đỡ quạnh, để cụ đỡ buồn thì chủ hiệu cầm đồ thản nhiên, lạnh lùng bảo: “Nhân viên cửa hàng không biết, bán mất rồi”. 

Nên tôi vẫn mãi không thích các “tiệm cầm đồ” là như thế.