Á hậu Trịnh Kim Chi làm chủ quán cà phê - kịch

ANTĐ - Từng làm ca sĩ, người mẫu, diễn viên điện ảnh và truyền hình song Trịnh Kim Chi vẫn là “người tình” chung thủy của sân khấu kịch. Nhiều năm miệt mài trên sàn diễn, giờ cô đã có thêm vai trò mới là “bà bầu” của hai sân khấu nhỏ.

Vợ chồng Á hậu Trịnh Kim Chi tại buổi khai mạc sân khấu kịch-cà phê

Tạo việc làm cho các bạn trẻ

- PV: Lý do gì khiến chị từ một Á hậu kiều diễm quyết định trở thành “bà bầu” thế?

- Á hậu Trịnh Kim Chi: Chính tôi cũng bất ngờ trước quyết định nhanh chóng của mình. Trước đó, tôi có mở một nhà hàng nhưng làm nhiều thấy mệt. Rồi tôi mới nghĩ, sở trường của mình là sân khấu, sao không làm một cái gì đó vừa với sức mình. Thế là mô hình sân khấu kịch - cà phê ra đời. Ngoài tạo công ăn việc làm cho các bạn trẻ, đây còn là nơi tôi được dựng những vở diễn với chủ đề mình tâm đắc. 

- Trải qua nhiều công việc khác nhau, cảm giác làm “bà bầu” với chị có gì khác biệt không?

- Tôi không phải “bà bầu”, mà chỉ là bà chủ quán cà phê, nói đúng hơn là kịch - cà phê. Đây là dạng sân khấu nhỏ. Khán giả đến đây, vừa nhâm nhi ly nước mát, vừa được thưởng thức kịch. Khán giả của tôi là sinh viên, người trung niên. Họ yêu kịch nhưng không thể bỏ ra số tiền quá lớn để mua vé vào các sân khấu khác. Ở những sân khấu lớn, một vở diễn thường kéo dài 2 đến 3 giờ đồng hồ, còn ở chỗ tôi, chỉ 1 đến một tiếng rưỡi. Diễn viên của tôi là những sinh viên của trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Nếu thiếu, tôi mời thêm những học viên tại Trung tâm đào tạo diễn viên do chính tôi mở.

- Chị đang muốn tập cho khán giả thói quen đi xem kịch như đi uống cà phê?

- Quả tình, tôi cũng có ý định hướng khán giả đến với sân khấu kịch bằng một không gian cởi mở và thân thiện. Vì thế mà mô hình cà phê - kịch ra đời. Tuy quy mô sân khấu nhỏ, giá vé bình dân song tính chuyên nghiệp luôn được đảm bảo. Tôi luôn chú tâm dựng những vở kịch có ý nghĩa xã hội, mang tính giáo dục cao. Ngoài ra, những vở kịch lịch sử, các tác phẩm kỷ niệm những ngày lễ lớn cũng sẽ được đầu tư dàn dựng. 

Mở sân khấu là do đam mê

- Trong tình hình sân khấu ảm đạm, nhiều đoàn xã hội hóa đã đóng cửa vì lỗ, chị thấy mình có liều không? 

- Tôi đầu tư mở sân khấu riêng chủ yếu là do đam mê. Mọi người đều biết để có lãi ở sân khấu lúc này là điều vô cùng khó. Song những người làm sân khấu ở TP.HCM đều yêu nghề. Chúng tôi muốn sống dưới ánh đèn sân khấu hơn là nghĩ đến chuyện lỗ lãi. Khán giả ngày càng kén chọn, chính vì thế mọi người sợ một ngày nào đấy sẽ không còn sân khấu để diễn nữa. 

- Việc mở sân khấu cà phê-kịch dường như liên quan đến “đầu ra” của trung tâm đào tạo diễn viên do chị mở?

- Trung tâm đào tạo diễn viên do tôi làm chủ, song tôi thường mời các thầy cô bên trường Sân khấu Điện ảnh về dạy. Cách đào tạo hiệu quả nhất là học đi đôi với hành. Học viên của tôi, buổi sáng học lý thuyết, buổi tối có thể đã khóc, cười trên sân khấu cùng với nhân vật của mình. Mô hình này ra đời cũng là sân chơi để các em được thực hành vai diễn của mình. 

- Chị đóng phim, đóng kịch lại thêm việc dạy học, làm bà chủ. Chị có thấy mình ôm đồm quá không?

- Đúng là tôi có tham việc thật. Một ngày tôi chỉ ngủ 4 tiếng. Có lẽ chính vì thế mà thân hình không bị mập ra (cười). Nhưng nhìn các diễn viên của tôi cũng làm việc với cường độ như vậy, tôi thấy mình làm như vậy vẫn còn dư sức. Họ tập thâu đêm, lúc nào ra nhân vật mới thôi. Các em trẻ chính là nguồn động lực để tôi nỗ lực hết mình cho sân khấu đỏ đèn hàng đêm. 

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!