8 luật mới bắt đầu có hiệu lực

(ANTĐ) - Từ hôm nay 1-7-2011, 8 luật mới có hiệu lực bao gồm: Luật Thanh tra; Luật Tố tụng hành chính; Luật Khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật An toàn thực phẩm và Luật Thi hành án hình sự.
Bỏ thủ tục “tiền tố tụng”
Một trong những nội dung cơ bản, quan trọng nhất trong Luật Tố tụng hành chính là bãi bỏ thủ tục tiền tố tụng - thủ tục bắt buộc đối với người khởi kiện trước khi khởi kiện vụ án hành chính. Theo đó, công dân không phải thực hiện thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thời hiệu khởi kiện theo đó cũng thay đổi và không còn phức tạp như trước, mở rộng các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, phân biệt thẩm quyền giải quyết theo sự lựa chọn của người khởi kiện. Trong trường hợp người khởi kiện vừa có đơn khởi kiện, vừa có đơn khiếu nại, thì thẩm quyền giải quyết sẽ được xác định theo sự lựa chọn của người khởi kiện. Điều này làm tăng thêm quyền tự do cho công dân và khác hoàn toàn với việc phân định thẩm quyền trong trường hợp tương tự được quy định trong pháp lệnh.

Khoáng sản sẽ được khai thác hiệu quả hơn
Luật sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Luật Khoáng sản sửa đổi đã kế thừa và thể hiện được các quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với khoáng sản thời gian qua. Trong đó, nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung mang tính cơ bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản. Theo đó, khoáng sản được xác định là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, hầu hết không tái tạo nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Ngoài việc kế thừa những quy định hiện hành, luật sửa đổi đã đưa ra nhiều quy định mới làm thay đổi cơ bản cơ chế bảo vệ, quản lý, khai thác và sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân là khoáng sản. Những quy định này là cơ sở pháp lý để khoáng sản được bảo vệ tốt hơn, đồng thời khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước.

 Khoáng sản sẽ được bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn
 Khoáng sản sẽ được bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn

Thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước
Luật Thi hành án hình sự không chỉ đánh dấu bước phát triển quan trọng chung trong hoạt động lập pháp của Nhà nước Việt Nam, mà còn trong lĩnh vực thi hành án hình sự, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước đối với người chấp hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính cũng như bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân. Điểm mới của Luật Thi hành án hình sự thể hiện trong việc thay đổi hình thức thi hành án tử hình, thay vì xử bắn, người chấp hành án tử hình sẽ bị tiêm thuốc độc. Đây là hình thức thi hành án tử hình có nhiều ưu điểm khắc phục những tồn tại hiện nay trong thi hành án tử hình. Trước khi thi hành án, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được gửi đơn đến Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi về an táng và phải cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí.

“Lá chắn” bảo vệ người tiêu dùng  
Đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn thực phẩm,  Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, 2 bộ luật này sẽ là “tấm lá chắn” bảo vệ người tiêu dùng một cách hữu hiệu. Riêng với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng so với quy định trước đây có những điểm tiến bộ rõ rệt, trong đó đáng chú ý là quy định về trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin. Theo đó, nếu thông tin sản phẩm được quảng cáo sai lệch với thực tế chất lượng sản phẩm, nơi cung cấp thông tin sai lệch sẽ phải chịu trách nhiệm về phần việc của mình. Việc ban hành Luật An toàn thực phẩm thay thế Pháp lệnh 2003 là hết sức cần thiết, góp phần bảo vệ tốt hơn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

 Thông tin sản phẩm phải được quảng cáo đúng thực tế chất lượng sản phẩm khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực
 Thông tin sản phẩm phải được quảng cáo đúng thực tế chất lượng sản phẩm
khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực

Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty TNHH Luật S&B chia sẻ, trải qua hơn 10 năm, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã phát triển một cách nhanh chóng, doanh thu phí bảo hiểm đã được các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại cho nền kinh tế, đóng góp không nhỏ cho xã hội và nền kinh tế chung của đất nước. Một điểm mới có thể thấy là Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010 quy định về bảo hiểm hưu trí mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được phép triển khai. Theo đó, mọi thành phần trong xã hội, nếu có điều kiện về tài chính, có thể mua bảo hiểm hưu trí cho mình ở bất cứ mức nào và có thể mua ở nhiều đơn vị khác nhau để được hưởng nhiều quyền lợi khi không còn tuổi lao động. Luật còn cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được bảo hiểm tai nạn, ốm đau, bệnh tật hoặc chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân có nhu cầu. Bên cạnh đó, Nhà nước còn quan tâm hơn đến việc bảo vệ người được bảo hiểm thông qua việc quy định thành lập Quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán.