778,8 tỷ đồng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

ANTĐ - Trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng 20-10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã báo cáo trước Quốc hội tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
778,8 tỷ đồng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ảnh 1

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 hiện hành được triển khai theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 và áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2002 - 2003 đến nay. Qua từng năm học, Bộ GD-ĐT đều tổ chức đánh giá, sơ kết để có chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh và đến nay nhận thấy trước yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ hay những đòi hỏi hội nhập quốc tế, chương trình và sách giáo khoa hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trong đó, nổi bật nhất là chưa đáp ứng yêu cầu mới về phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; chưa chú trọng yêu cầu về vận dụng kiến thức, rèn luyện tư duy độc lập, khả năng phản biện, thói quen tự học, các kỹ năng thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học… Điều đó đòi hỏi phải xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa với những đổi mới căn bản.

Về nguyên tắc, đổi mới chương trình, sách giáo khoa phải quán triệt đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng và tuân thủ các quy định của Hiến pháp, Luật Giáo dục. Tham khảo, học hỏi một cách có chọn lọc và có hệ thống kinh nghiệm, thành tựu giáo dục của các nước, nhất là các nền giáo dục phát triển có điều kiện tương đồng với Việt Nam. 

Về nội dung chương trình - sách giáo khoa mới được xây dựng thành một chỉnh thể, nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12. Thiết kế chương trình theo hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông). Trong đó tích hợp các lĩnh vực, các môn học ở tiểu học và trung học cơ sở để giảm tải, giảm kiến thức hàn lâm và số lượng môn học bằng cách lồng ghép những nội dung gần nhau của nhiều môn vào cùng một lĩnh vực hoặc bổ sung, phát triển môn học tích hợp đã có trong chương trình hiện hành tạo thành môn học mới. Tuy nhiên đến cấp trung học phổ thông sẽ có phân hóa mạnh bằng hình thức dạy học tự chọn theo định hướng: học sinh được học phân hóa gắn với định hướng nghề nghiệp. Theo đó mỗi học sinh tự chọn môn học và chuyên đề học tập theo sở trường và nguyện vọng của cá nhân. 

778,8 tỷ đồng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ảnh 2Chương trình và sách giáo khoa hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập

Đối với phương pháp thi, đánh giá chất lượng giáo dục sẽ đổi mới theo hướng hỗ trợ sự phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Thực hiện đa dạng phương pháp và hình thức đánh giá; đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, đánh giá đúng năng lực học sinh. Ngoài ra bổ sung thêm các hình thức đánh giá chất lượng giáo dục ở cấp quốc gia, cấp địa phương và tham gia các kỳ đánh giá của quốc tế để kiến nghị các chính sách, giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục. 

Thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Giáo viên và học sinh có thể vận dụng sách giáo khoa và tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều cách tiếp cận khác nhau để đạt được mục tiêu và chuẩn chương trình. Tổ chức nghiên cứu mô hình sách giáo khoa điện tử để từng bước biên soạn, thử nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, dự kiến kinh phí sẽ tốn khoảng 462 tỷ đồng và tổ chức thực hiện chia làm 3 giai đoạn từ 2015 đến 2021. Trong đó, kể từ giai đoạn 3 (năm học 2018 – 2019) sẽ triển khai áp dụng chương trình mới, đồng thời tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, sau đó Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã góp ý với Chính phủ xây dựng dự toán bổ sung thêm kinh phí là 316,8 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương, cung cấp tài liệu tập huấn và tài liệu giáo dục của địa phương cho giáo viên; ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh họa theo chương trình mới...  Như vậy, tổng kinh phí để thực hiện đề án sẽ là 778,8 tỷ đồng, trong đó dự kiến trên 505 tỷ đồng là từ ngân sách Trung ương và trên 274 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.