7 giải pháp ngăn chặn buôn lậu

ANTĐ - Báo cáo tại hội nghị giao ban công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của Ban Chỉ đạo 127 Trung ương vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú - Phó ban chỉ đạo 127 Trung ương cho biết: “Tình trạng buôn lậu diễn ra mọi nơi, mọi lúc. 

Tại cửa khẩu, đường biển, hàng không, đường sắt… tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục gia tăng ở mức báo động”.  Cụ thể, năm 2012, các lực lượng chức năng đã xử lý 272.158 vụ vi phạm (tăng 68.566 vụ), xử phạt và tịch thu hàng hóa trị giá 8.310,5 tỷ đồng (tăng 2.896,7 tỷ đồng).  

Nhiều đối tượng vi phạm lạm dụng cách thức quay vòng hồ sơ xuất khẩu, nhập khẩu, tạo hồ sơ mua bán nội địa, thay đổi hải trình để thực hiện hành vi vi phạm. Nhiều mặt hàng quý bị phát hiện buôn lậu trên các tuyến giao thông. Chỉ tính riêng năm 2012, lực lượng hải quan đã xử lý 16 vụ vi phạm trên biển, thu giữ 5.008,9 kg tê tê, vẩy tê tê, 3.737,4 kg ngà voi, 2 ngà voi nguyên chiếc. Lực lượng cảnh sát biển xử lý 41 vụ, thu giữ 3.785 tấn quặng titan, 7.809 tấn quặng sắt, 14.516 tấn than, 13.730 gói thuốc lá, 5.940 lít dầu DO, 600 kg mỹ phẩm...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng - Trưởng ban chỉ đạo 127 Trung ương cho rằng, trước diễn biến phức tạp của hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, cùng với những nguy cơ khó lường, quy mô, tính chất ngày càng phức tạp, đối tượng buôn lậu luôn tìm cách lợi dụng kẽ hở cơ chế chính sách để làm ăn phi pháp… Các lực lượng liên quan cần ngồi lại bàn bạc, đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng gợi ý 7 giải pháp thực hiện trong năm 2013 nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại như: tập trung vào các biện pháp thực hiện Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ về điều hành kinh tế - xã hội 2013 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngăn chặn việc đưa hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường tiêu thụ; kiểm soát thị trường, kiểm soát giá; tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo, nắm chắc diễn biến của thị trường, nhất là hàng hóa thiết yếu, phục vụ đời sống nhân dân; rà soát, sửa đổi, bổ sung xây dựng mới hoặc tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật…