600 triệu đồng để phục dựng lại nhà Lang bị cháy

ANTĐ -Tối 24-10-2013, ngôi nhà Lang hơn 100 tuổi của cộng đồng dân tộc Mường đã bị thiêu rụi do sự vô ý thức của một nhóm du khách. Gần 200 hiện vật quý giá, nguyên bản của nền văn hóa Mường biến mất hoàn toàn. Gần 2 năm sau trận hỏa hoạn, cơ hội hồi sinh nhà Lang được nhen nhóm cùng nhiều phương án phục dựng được đưa ra. 
600 triệu đồng để phục dựng lại nhà Lang bị cháy ảnh 1

Ngọn lửa thiêu trụi gần như toàn bộ ngôi nhà 100 tuổi

Run lên vì sự vô ý thức

“Bàng hoàng”, đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khi nghe tin nhà Lang hơn 100 tuổi của người Mường bị cháy. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết: “Khi anh Vũ Đức Hiếu - Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường gọi điện từ nước ngoài thông báo “Nhà Lang cháy rồi”, tôi thực sự giật mình. Chính tôi đứng ra chỉ đạo làm 10 ngôi nhà ở Bảo tàng Dân tộc học, tôi hiểu rất rõ công sức trí tuệ để làm ra những ngôi nhà này. Để mất đi ngôi nhà Lang này thật đáng tiếc”. Chia sẻ với PGS.TS Nguyễn Văn Huy và ông Vũ Đức Hiếu - những người “đứng mũi chịu sào” cho cả một cơ ngơi rộng lớn như bảo tàng, họa sỹ Thành Chương tâm sự: “Để có được ngôi nhà Lang và những hiện vật trưng bày giá trị như vậy, tôi biết anh Hiếu đã phải hao tổn công sức rất nhiều.

Chẳng nói đâu xa, trước khi nhà Lang của anh Hiếu xảy ra hỏa hoạn thì một nhà sàn ở Việt Phủ của tôi cũng cháy rụi. Mà nguyên nhân cũng tại một du khách hút thuốc xong dụi vào mái lá. Nghĩ lại tôi thấy tay mình run lên vì sự vô ý thức của một số người”. Ngôi nhà Lang hơn 100 năm tuổi là của gia đình bà Hà Thị Lợi, con gái một vị Lang Đạo ngày xưa ở vùng Mường Chậm - nay thuộc xóm Chiến, xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Được coi là ngôi nhà Lang của người Mường duy nhất được tìm thấy, đầu năm 2007, ngôi nhà được di dời và phục dựng tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường.

Tuy nhiên, vào ngày 24-10-2013, di sản văn hóa vô giá này đã bị thiêu trụi khi một nhóm du khách 4 người trong lúc đùa nghịch đã gây ra vụ hỏa hoạn, phá hủy gần như toàn bộ hiện vật bên trong ngôi nhà cổ. Nuối tiếc, xót xa, nhiều cuộc triển lãm, hoạt động nghệ thuật đã được tổ chức trên đống tro tàn của nhà Lang để nhắc nhở ý thức của mỗi người về thái độ và trách nhiệm đối với việc bảo tồn các di sản văn hóa. Thế nhưng phải đến thời điểm này, giấc mơ hồi sinh nhà Lang mới chính thức được nhen nhóm.  

Ngôi nhà Lang - di sản văn hóa vô giá của dân tộc Mường trước khi ngọn lửa bùng lên vào ngày 24-10-2013


Dựng lại ước mơ trên tro tàn

Gần 2 năm sau buổi tối định mệnh, những người gây dựng, trông nom bảo tàng vẫn nỗ lực không ngừng để kể tiếp câu chuyện nhà Lang. Ông Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ cháy, từ những mảnh đồng, mảnh sành hay những gì còn sót lại, bảo tàng đã dựng lại một không gian ngay bên cạnh nhà Lang giới thiệu những sáng tác nghệ thuật để mọi người có một bài học ứng xử với các di sản văn hóa. Điều may mắn là trước đó, Bảo tàng cũng đã tư liệu hóa tất cả các hiện vật trong nhà Lang và đây chính là công cụ để phục dựng lại di sản này. Dự kiến kinh phí xã hội hóa để phục dựng nhà Lang vào khoảng 600 triệu đồng.  

  Ngoài việc huy động kinh phí, đến thời điểm này, có nhiều phương án phục dựng khả thi được đưa ra. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, có 2 phương án, một là có thể đi tìm một nhà Lang thuộc vùng khác còn nguyên bản để dựng thay thế vào vị trí nhà Lang bị cháy. Phương án này đòi hỏi nhiều nghiên cứu và nỗ lực tìm kiếm kỳ công. Thứ hai là phục dựng dựa trên nền móng cũ.

Hiện trạng nhà Lang còn giữ được kết cấu cơ bản, gồm cột chính và 16 cột quân, tuy nhiên các hiện vật gần như đã bị phá hủy. Bởi vậy, phải tìm kiếm những hiện vật đồng thời để đặt lại vào vị trí nhà cũ. Phương án này nhận được sự đồng tình của nhiều nhà khoa học. Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Bản thân nhà Lang khi dời về địa điểm mới đã thay đổi. Bây giờ khi cháy rồi cũng không phải là gốc. Tôi không đặt câu chuyện tìm một cái tương đương. Thay vì đó là sử dụng những gì còn sót lại, kể tiếp câu chuyện của nhà Lang”. Cũng theo ông Dương Trung Quốc, cần có một cuộc khảo quát điền dã trên khu vực Hòa Bình, còn những gì có thể ghi lại những tư liệu liên quan đến chủ nhân của ngôi nhà Lang đó.

Ý kiến này cũng được họa sỹ Thành Chương tán đồng: “Thay vì làm một nhà Lang hoàn toàn mới, tôi nghĩ rằng nên giữ lại kết cấu nhà Lang cũ, đồng thời bổ sung hiện vật, xây dựng giống nguyên bản. Xét về tính chất bảo vệ nhà Lang, tôi thấy tính khả thi cao hơn”. Dù là phương án nào, thì phục dựng nhà Lang - di sản văn hóa vô giá của người Mường vẫn cần sự ủng hộ thiết thực và cụ thể không chỉ là vật chất mà sự quan tâm từ phía chính quyền và ngành văn hóa địa phương, để nhà Lang tiếp tục kể câu chuyện về lịch sử, gia đình, dòng tộc người Mường cho thế hệ con cháu chúng ta. 

Tầng lớp Lang trong xã hội Mường
Mường là đơn vị tổ chức xã hội, là tập hợp của nhiều làng bản. Đơn vị tổ chức này đặt dưới sự cai quản của một dòng họ quý tộc mà người Mường gọi là “nhà Lang”. Bộ máy lãnh đạo đứng đầu nhà Lang là quan Lang, các quan Lang gồm có Lang Cun là Lang có uy thế và quyền lực lớn, các Lang Đạo khác phải phục tùng. Lang Cun thường cử người nhà đi làm Lang Đạo ở các xóm trong Mường. Lang Cun là Lang có uy thế và quyền lực lớn. Các Lang Đạo khác phải phục tùng.