60 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ đấu thầu cao tốc Bắc - Nam dài 654km

ANTD.VN - Đại dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông đã thu hút 60 nhà thầu và liên danh các nhà thầu tham gia nộp hồ sơ đấu thầu. 

60 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ đấu thầu cao tốc Bắc - Nam dài 654km ảnh 18 dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông đã thu hút 60 nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư tham gia

Vắng bóng nhà đầu tư Việt

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án cuối cùng trong 8 dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông được đầu tư theo hình  thức đối tác công tư - PPP mở thầu vào ngày 15-7. Theo đó, Ban QLDA Thăng Long thông tin, trong thời gian 60 ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển (từ ngày 15-5 đến 9h ngày 15-7-2019), đơn vị đã bán được 25 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, tại dự án này, không có nhà đầu tư nào của Việt Nam đứng độc lập tham gia dự án. Cụ thể, đến thời điểm mở thầu, có 9 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư nộp dự tuyển, gồm: 3 liên danh nhà đầu tư Việt Nam - Trung Quốc, 1 liên danh nhà đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, 1 liên danh nhà đầu tư Việt Nam - Philippines, 1 nhà đầu tư Trung Quốc độc lập, 2 nhà đầu tư Hàn Quốc độc lập và 1 nhà đầu tư đến từ Pháp.

Dự án cao tốc Bắc - Nam dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - Lam Sơn, cầu Mỹ Thuận 2), còn lại 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Dự án có tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT và 50.812 tỷ đồng vốn Nhà nước.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thực hiện theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư khoảng 14.359 tỷ đồng, gồm 11.879 tỷ đồng vốn BOT và hơn 2.479 tỷ đồng vốn Nhà nước. Dự án có chiều dài 99km, điểm đầu tại nút giao với đường nối QL1 đi Mỹ Thạnh thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận; điểm cuối kết nối với dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khoảng Km43+125. Trong 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP thì dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn không có bất cứ nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư nào của Việt Nam nộp hồ sơ dự tuyển, mà toàn bộ là các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư ngoại áp đảo

Trước đó, 7 dự án khác gồm: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã mở thầu và nhận được tổng cộng 51 bộ hồ sơ dự tuyển. Như vậy, toàn bộ 8 dự án cao tốc Bắc - Nam đã được mở thầu, thu hút 60 nhà đầu tư và liên danh các nhà đầu tư tham gia. Đáng nói, tại hầu hết các dự án, nhà đầu tư Trung Quốc đang áp đảo về số lượng. Cụ thể, có, 15 nhà đầu tư Việt Nam, 31 nhà đầu tư nước ngoài và 12 liên danh nhà đầu tư Việt Nam - Trung Quốc, ngoài ra còn có liên danh nhà đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Philippines.

Dự án Phan Thiết - Dầu Giây là dự án không có nhà đầu tư Việt Nam đứng độc lập tham gia và cũng là dự án thu hút nhiều liên danh nhà đầu tư nộp hồ sơ nhất, gồm 5 liên danh giữa các doanh nghiệp của Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines.

Kế đến là dự án Nha Trang - Cam Lâm, trong 8 nhà đầu tư nộp hồ sơ có 4 nhà đầu tư trong nước và 2 liên danh nhà đầu tư giữa Việt Nam - Trung Quốc. Cụ thể, 4 nhà đầu tư và liên danh trong nước gồm: Vinaconex; Liên danh CIENCO4 - Công ty 194 - Thuận An; Liên danh Tập đoàn đầu tư xây dựng Trung Nam - Tập đoàn Sơn Hải - Tổng công ty Xây dựng và kỹ thuật Trung Nam; Liên danh Tập đoàn IDICO - Cường Thuận.

Hai liên danh nhà đầu tư Việt Nam - Trung Quốc gồm: Liên danh Công ty Phương Thành - Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc - Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Truyền thông Đường sắt Trung Quốc; Liên danh Hùng Thắng - Công ty TNHH Xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Công ty PTE Ltd. Dự án cao tốc có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nộp hồ sơ dự tuyển nhất là Mai Sơn - QL45 (11 nhà đầu tư); Tiếp đến là Diễn Châu - Bãi Vọt (10), Phan Thiết- Dầu Giây (9), Nha Trang - Cam Lâm (8), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (6), Nghi Sơn - Diễn Châu (6), QL45 - Nghi Sơn (5), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (5). 

Được biết, sau khi mở thầu bước sơ tuyển nhà đầu tư, các Ban QLDA sẽ chấm sơ tuyển để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư theo các tiêu chí quy định trong hồ sơ mời thầu. Cụ thể, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Trong đó, mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm 60 điểm; năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm 30 điểm và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm 10 điểm. Mỗi dự án sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư được tính theo thang điểm từ cao xuống thấp.