60 năm làm nghề, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo mới có triển lãm cá nhân đầu tiên

ANTD.VN - Sau hơn 60 năm làm nghề, nhà điêu khắc nổi tiếng Tạ Quang Bạo mới tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên ghi dấu cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình. “Chân dung nghệ sỹ - Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo” là triển lãm tôn vinh người nghệ sĩ lớn của nền mỹ thuật  nước nhà đang diễn ra tại Lunet Art Galerie (Số 1, đường Thanh Niên, Hà Nội) đến hết ngày 26-1.

Triển lãm giới thiệu hơn 60 tác phẩm điêu khắc chọn lọc từ hàng trăm tác phẩm của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo. Trong cuộc triển lãm này có nhiều tác phẩm mới với các chất liệu khác nhau. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện riêng, có tác phẩm lấy cảm hứng từ những xúc cảm mãnh liệt trong quá khứ, cũng có tác phẩm được sáng tác khi ông quan sát và trăn trở cuộc sống thực tại xung quanh mình.

Mỗi tác phẩm mang một nét cá tính riêng nhưng vẫn thống nhất với nhau để tạo nên những phong cách sáng tác đậm chất Tạ Quang Bạo. Đó là hình tượng người phụ nữ Việt Nam uyển chuyển nhưng cũng không kém phần khỏe khoắn, săn chắc. Đó là hình tượng mang tính biểu tượng cho những khoảng khắc bất chợt trong cuộc sống. Hay đó là đôi nét lãng mạn trong những bức tượng tràn ngập tình yêu say đắm.

Và cả những tác phẩm mang đến sự ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem, bởi những tầng ý nghĩa ẩn sâu bên trong nó. Có thể nói, những tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này sẽ cho ta hiểu thêm một cách rõ nét những suy nghĩ, tư tưởng và cả khát vọng của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo nói riêng cũng như nghệ thuật điêu khắc Việt Nam nói chung.

Chia sẻ về quan điểm nghệ thuật, ông cho rằng: “Sức mạnh của người nghệ sĩ Việt là văn hóa, ở đâu trên thế giới này thế mạnh vẫn là văn hóa dân tộc truyền thống. Người nghệ sĩ phải biết kết hợp nghệ thuật dân tộc và nghệ thuật hiện đại, làm thế nào cho cả hai nhuần nhuyễn, không bị khô cứng".

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo năm nay đã 80 tuổi và có 60 năm làm nghề

Bằng tác phẩm, ông đã chứng minh cho sức mạnh của văn hóa dân tộc được vận dụng sáng tạo, để tạo nên những công trình tượng đài lớn lao. Những tượng đài do ông sáng tác không chỉ có giá trị bảo tồn về mặt văn hóa, lịch sử, xã hội mà nó còn có giá trị lớn trong việc lữu trữ những giá trị nghệ thuật tạo hình.

Các tác phẩm tiêu biểu của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo phải kể đến: Phù điêu "Điện Biên Phủ" đặt tại Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ - tỉnh Điện Biên, Tượng đài "Chiến thắng sông Lô" chất liệu bêtông, cột biểu tượng cao 26m, nhóm tượng cao 7m, hoàn thành năm 1982, đặt tại Núi Đồn, Đoan Hùng, Phú Thọ; "Tượng đài Việt – Lào" đặt tại Nghĩa trang Liệt sỹ Việt - Lào năm 1982 ở tỉnh Quảng Trị.....

Một tác phẩm tại triển lãm

Ông chia sẻ: “Tôi ngộ ra một điều, trời cho mình mỗi việc nặn tượng, thì mình chuyên nặn tượng. Ăn ngủ vì tượng, suốt ngày vầy đất sét. Đất sét cũng gắn bó với tôi như người tình, thở hơi thở của đất, của đá, của đồng và của thạch cao... Chính vì vậy, điều mà tôi muốn mang đến với khán giả tại triển lãm lần này chính là quan điểm sống của bản thân. Với tôi, một người sinh ra trên cuộc đời này phải sống có lý tưởng, có hoài bão, có ước mơ. Để làm được điều này, con người phải lao động, sáng tạo và để lại cho cuộc đời những giá trị của lao động chân chính thì cuộc đời mới bền vững mãi theo thời gian”.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo là nghệ sỹ tạo hình đầu tiên thuộc thế hệ kháng chiến chống Mỹ cứu nước được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (năm 2016). Ông sinh ngày 25 tháng 5 năm 1941, quê quán huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Tác phẩm "Chuyển động" sáng tác năm 2000.

Cùng khóa với Lê Đình Quỳ, Hứa Tử Hoài, Nguyễn Văn Quế, Trần Tuy… năm 1959, ông học Khoa Điêu khắc trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp khóa I (1959 - 1963). Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công về công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới được thành lập. Vừa làm công tác tại bảo tàng, ông vừa tham gia sáng tác các cuộc thi về điêu khắc. Giải thưởng đầu tiên ông nhận được đó là mẫu tượng Bất khuất trong cuộc thi do Hà Nội tổ chức năm 1964. Tiếp đó, sáng tác tác phẩm Canh trời  tham gia Triển lãm Mùa xuân năm 1967, báo hiệu khả năng của Tạ Quang Bạo với điêu khắc bởi sự giản dị về khối hình và có độ rung cảm. 

Năm 1966, Tạ Quang Bạo được cử đi học tại Khoa Điêu khắc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, khóa 1966 - 1971. Vào thời kỳ đó, nhà trường sơ tán tại làng Vát, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về tiếp tục công tác lại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 1971, Tạ Quang Bạo nhập ngũ, sau một thời gian huấn luyện ở miền Bắc, ông đi vào chiến trường Khu V, làm họa sỹ của Đoàn Văn công Khu V, Tạp chí Quân khu. Cũng như nhiều nghệ sỹ tạo hình khác vào chiến trường, Tạ Quang Bạo vừa là người lính cầm súng, vừa là nghệ sỹ - chiến sỹ. Cho dù chiến trường ác liệt, gian khổ và thiếu thốn, ông vẫn hăng say hoạt động mỹ thuật phục vụ những yêu cầu của đoàn văn công, vừa ghi chép thực tế qua các kí họa và suy nghĩ để xây dựng những tác phẩm điêu khắc trong tương lai, đặc biệt là hình tượng về những bà mẹ, những chiến sỹ giải phóng anh hùng đã làm nên những chiến công.

Từ sau ngày giải phóng miền Nam đến nay, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã dành nhiều thời gian cho sáng tác và xây dựng tượng đài. Với số lượng tượng đài đã được xây dựng, Tạ Quang Bạo là tác giả có năng lực sáng tạo trong những đề tài có tính hoành tráng, phần lớn là những quần thể với nhiều nhóm tượng và phù điêu có quy mô lớn về kích thước, có hình khối khoẻ khoắn với những mảng khối lớn, phát triển đa chiều, có tính khái quát, tạo được một phong cách riêng, có giá trị nghệ thuật cao, hài hòa với cảnh quan môi trường.

Hình ảnh phụ nữ trong những tác phẩm của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo.

Ngoài các tác phẩm về đề tài Chiến tranh cách mạng, Tạ Quang Bạo còn sáng tác nhiều đề tài khác nhau như đề tài quê hương, tình yêu, gia đình, phụ nữ, thiên nhiên… Các tác phẩm này phần lớn được sáng tác từ sau năm 1995, có ngôn ngữ điêu khắc hiện đại, tạo được ngôn ngữ riêng đầy gợi cảm với khối hình có độ căng của bề mặt, độ phản xạ của ánh sáng và chuyển động, những bố cục lồi lõm, những hình khối bất thường tạo nên một cốt cách riêng.

Ít người biết rằng, vào những năm 90, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo còn sáng tác nhiều tác phẩm hội họa bằng các chất liệu sơn mài, sơn dầu, bột màu... tranh của ông cũng tạo được ngôn ngữ riêng cả về bố cục, xây dựng hình tượng và sử dụng màu sắc.