6 trẻ di cư thiệt mạng vì chìm thuyền ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ

ANTĐ - Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9-12 cho hay, một chiếc thuyền chở những người di cư đã bị lật úp ngoài khơi bờ biển phía tây, gần thành phố Izmir, khiến 6 trẻ em thiệt mạng.

Cũng theo nguồn tin trên, lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ nhận được tín hiệu cấp cứu vào đêm ngày 7-12, rạng sáng 8-12 và đã ngay lập tức triển khai công cuộc ứng cứu và tìm kiếm. Cho đến hôm 9-12, họ mới tìm thấy thi thể của 6 trẻ em, trong đó có 1 trẻ sơ sinh và chỉ cứu được 8 người thoát chết.

Theo báo cáo, tất cả những người di cư chen chúc trên thuyền đều là người Afghanistan và đang trên đường tới Hy Lạp. Tuy nhiên, không rõ có chính xác bao nhiêu người trên thuyền lúc đó.

Thế giới đang phải đối mặt làn sóng người di cư bất hợp pháp ồ ạt tại nhiều nơi, trong đó đường biển từ phía nam lên phía bắc Địa Trung Hải đã chứng kiến những cuộc di cư đầy mạo hiểm của người tị nạn, chen chúc trên những con tàu nhỏ bé, rách nát.

Bất chấp các điều kiện sống thiếu thốn cùng cực, hàng triệu người đã liều mạng lênh đênh trên biển, mong thoát khỏi các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo IS và tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn ở “miền đất hứa” tại Châu Âu. Hàng nghìn người đã phải bỏ mạng khi giấc mơ còn dang dở. Vấn nạn di cư ngày càng nhức nhối.

Người tị nạn chen chúc trên những con thuyền nhỏ bé

Còn nhớ, hồi cuối tháng 11-2015, thi thể của một bé gái Syria được tìm thấy giữa những mỏm đá bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ sau khi chiếc thuyền chở em và những người khác bị lật đã khiến người xem không khỏi xót xa, rùng mình.

Trước đó, khoảng 3 tháng, hình ảnh một cậu bé 3 tuổi người Syria nằm úp mặt trên bờ biển như đang say ngủ đã khiến cả thế giới chấn động và được hình tượng hóa thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng di cư sang châu Âu, với bức ảnh “Em bé Syria”, tương tự như “Em bé Napal” của Việt Nam.

Làn sóng di cư sang châu Âu tăng vọt trong năm 2015 do những xung đột và bất ổn liên tiếp nổ ra tại Syria, Iraq và một số quốc gia Bắc Phi. Đặc biệt là từ khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS mở rộng chiến sự ở Syria và Iraq thì làn sóng người tị nạn chạy vào châu Âu dường như đã đạt đến đỉnh điểm.

Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn, chủ yếu là người Syria đi tránh chiến sự. Ngoài những người đi theo đường biển trên Địa Trung Hải, rất nhiều người đã tìm cách sang châu Âu bằng cách vượt biên trái phép từ nước này sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó tới Bulgaria và Hy Lạp.