6 loài động vật tuyệt chủng có thể được tái sinh

ANTĐ - Một số loài động vật vốn đã bị tuyệt chủng có thể được tái sinh nếu các nhà khoa học vượt qua được những rào cản thực tế và một số câu hỏi hóc búa về đạo lý...

Dưới đây là 6 loài tuyệt chủng có thể được tái sinh được nêu ra tại diễn đàn TEDxDeExtinction diễn ra vào tháng 3 ở Washington, Hoa Kỳ:

1. Voi Ma-mút:

Voi ma-mút, họ hàng với loài voi hiện đại, đã tuyệt chủng từ khoảng 3.000 đến 10.000 năm trước. Các nhà khoa học ở Nga và Hàn Quốc đã bắt tay vào dự án với tham vọng tái sinh lại loài voi này bằng việc sử dụng nhân tế bào lưu trữ DNA của một con voi ma-mút và trứng của một loài voi Châu Á.

2. Hổ Tasmania:

Loài hổ này rất phổ biến ở vùng đảo Tasmania, Australia trước khi người Châu Âu đến định cư ở đó năm 1803. Cuối thế kỷ 19, chính quyền đảo Tasmania trả rất nhiều tiền cho xác của loài hổ này bởi vì chúng được cho là tấn công và ăn thịt cừu và gà của nhà nông. Và đến những năm 1930 thì loài này bị săn bắn đến tuyệt chủng. Cá thể cuối cùng được cho là chết ở vườn thú Tasmania năm 1930.

3. Bồ câu rừng:

Đã có một thời loài chim này phủ kín bầu trời Nam Mỹ, tuy nhiên 100 năm trước, nạn phá rừng và săn bắn đã dẫn đến sự tuyệt chủng cho loài này. Martha, con chim bồ câu rừng cuối cùng bị chết ở vườn bách thú Cincinati, Ohio, Hoa Kỳ năm 1914.

4. Ếch ấp trứng trong dạ dày:

Đây là loài ếch duy nhất trên thế giới có mô hình sinh sản độc đáo: con ếch cái nhai trứng đã được thụ tinh, sau đó biến dạ dày thành tử cung và sinh ếch con qua miệng. Nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài này được cho là khai thác gỗ và nấm chytrid (loài nấm gây hại cho ếch).

5. Vẹt đuôi dài Carolina:

Vẹt đuôi dài Carolina là loài vẹt bản xứ ở miền Đông nước Mỹ, kéo dài từ phía Nam New York đến tận vịnh Mexico, và trải rộng ra đến bang Wisconsin (Mỹ). Loài  vẹt này tuyệt chủng vào đầu thế kỷ 20.

6. Mèo răng cong:

Mèo răng cong là loài ăn thịt theo kiểu phục kích, có cỡ lớn bằng một con sư tử. Đặc điểm nổi bật của loài mèo này là có răng nanh dài và cong. Loài mèo này tuyệt chủng vào cuối thế Pleistocene (thế Canh Tân) khoảng 11.000 năm trước.