6 công nghệ không gian vũ trụ đáng tự hào của Ấn Độ

ANTD.VN - Ấn Độ kỳ vọng trở thành nước thứ 4, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc, có thể đưa tàu thăm dò đổ bộ thành công xuống Mặt trăng, nhưng dường như họ đã thất bại khi tàu đổ bộ đã mất liên lạc hôm 7-9, ngay trước khi hạ cánh xuống Mặt trăng. Tuy nhiên, đất nước Ấn Độ vẫn sẽ tiếp tục chương trình không gian đầy tiềm năng nhờ công nghệ mà không phải nước nào cũng sánh được.

6 công nghệ không gian vũ trụ đáng tự hào của Ấn Độ ảnh 1Tên lửa đẩy “GSLV-Mk-III” mang theo tàu thăm dò Mặt Trăng Chandrayaan-2 rời bệ phóng ở trung tâm vũ trụ Satish Dhawan tại Sriharikota, Ấn Độ hôm 22-7

Khoa học vũ trụ

Trước chương trình du thuyền Mặt trăng Chandrayaan ra mắt vào năm 2008 và 2009, Ấn Độ trước đó 12 năm đã phóng tàu vũ trụ IRS-P3 mang theo thiết bị viễn thám do Trung tâm hàng không vũ trụ Đức (DLR) chế tạo, có nhiệm vụ quan sát Trái đất. Ngành khoa học vũ trụ của Ấn Độ được thế giới biết đến khi Chandrayaan-1 đạt được đột phá với phát hiện “sự hiện diện của các phân tử nước trên Mặt trăng” và điều này đã được NASA công nhận vào năm 2018. Tháng 9-2019, tuy tàu đổ bộ Mặt trăng đã mất liên lạc nhưng Chandrayaan-2 sẽ vẫn an toàn trên quỹ đạo Mặt trăng và tiếp tục phục vụ nghiên cứu khoa học trong 1 năm tới.

Tên lửa phóng vệ tinh địa tĩnh 

Tàu vũ trụ Chandrayaan-2 mang theo tàu đổ bộ lên Mặt trăng mới nhất được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy GSLV Mk-III do Ấn Độ tự chế tạo. Đây là loại tên lửa đẩy mạnh nhất của nước này, có khả năng phóng các vệ tinh nặng 4 tấn vào quỹ đạo. Cao 43,4m, nó cao hơn tên lửa đẩy Soyuz của Nga và ngắn hơn 1m so với Ariane 5 do Pháp sản xuất. Nhưng kích cỡ không phải là tất cả, một số tên lửa đẩy tốt nhất hiện nay lại khá nhỏ, như Electron, cao 17m, do hãng Rocket Lab của Mỹ sản xuất. Và Ấn Độ cũng đang sở hữu tên lửa đẩy tương đương kích thước đó.

Chương trình sao Hỏa

Ngoài chương trình Mặt trăng, Ấn Độ thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên vào không gian liên hành tinh với Tàu quỹ đạo Sao Hỏa. Chương trình được đưa ra vào năm 2013 với một lịch trình ngắn chỉ trong vài tháng. Không phải chờ đợi lâu, Ấn Độ tiếp tục nhiệm vụ khám phá sao Hỏa tiếp theo vào năm 2016 rồi 2018. Kể từ khi đi vào quỹ đạo sao Hỏa năm 2014, thiết bị của Ấn Độ đã cung cấp những hình ảnh cận cảnh về Hành tinh Đỏ cũng như dữ liệu về khoáng vật học và bầu khí quyển của nó.

Hệ thống cảnh báo thiên tai

Ấn Độ hiện có một hệ thống vệ tinh đa năng phục vụ viễn thông, phát sóng truyền hình, khí tượng, cảnh báo thảm họa và các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, Hệ thống vệ tinh viễn thám Ấn Độ (IRS) đã phát triển từ năm 1988. Vào năm 2017, IRS được ghi nhận là chùm vệ tinh viễn thám và quan sát Trái đất lớn nhất thế giới. Nó giúp giám sát tài nguyên thiên nhiên, điều hành các nghiên cứu về đại dương và khí quyển, bản đồ học và góp phần quản lý đất và nước. Dữ liệu từ IRS cũng được sử dụng trong phát triển đô thị, tìm kiếm khoáng sản, hạn hán và dự báo lũ lụt, giúp cải thiện việc ứng phó với thảm họa thiên nhiên.

Giáo dục và y tế từ xa 

Lực lượng vệ tinh hùng hậu còn được sử dụng cho giáo dục từ xa. Ấn Độ hy vọng sẽ cung cấp cơ hội học tập cho người dân ở các vùng xa, với một hình thức lớp học đa phương tiện và tương tác. Điều đó có thể thực hiện thông qua các chương trình phát sóng trên TV và đài phát thanh, trò chuyện video và các khóa học trực tuyến. Tương tự, các ứng dụng y tế từ xa cũng được vận dụng để tư vấn y tế và các dịch vụ liên quan đến sức khỏe trực tuyến cho những người ở vùng sâu vùng xa, xa các bệnh viện đô thị.

Hệ thống định vị vệ tinh khu vực Ấn Độ

Ý tưởng của Ấn Độ rất rõ ràng, đó là trang bị hệ thống định vị vệ tinh GPS riêng, tất nhiên không phải ở phạm vi toàn cầu. Cũng như hệ thống định vị vệ tinh Galileo của châu Âu, Ấn Độ muốn giảm sự phụ thuộc vào Hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ. GPS ban đầu được phục vụ cho quân đội Mỹ, nên rủi ro có thể xảy ra là nước Mỹ có thể tắt GPS bất cứ lúc nào. Điều đó không chỉ gây khó chịu cho những người lạc đường mà còn có khả năng gây thảm họa cho hàng không dân dụng và toàn bộ công nghệ di động.

Hệ thống định vị vệ tinh của Ấn Độ có độ chính xác trong bán kính 20m và có khả năng phủ sóng tới 1.500km ngoài biên giới nước này. Chính vì vậy, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, nói rằng các thành viên Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á cũng được hoan nghênh sử dụng nó.