55 dự án trọng điểm: Để chậm nữa, thành phố sẽ kiên quyết xử nghiêm

ANTĐ - Chiều 7-8, thông tin từ Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết, trong danh sách 55 công trình, cụm công trình trọng điểm của TP Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015, có tới 37 công trình bị chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự trì trệ này là do ách tắc GPMB và thiếu vốn.

Nhiều dự án khu vực nội thành đang mắc kẹt bởi ách tắc GPMB

37/55 dự án bị chậm

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT, ông Ngô Văn Quý, tính đến hết tháng 7-2013, TP đã phân bổ kế hoạch vốn cho 38/55 dự án thành phần của các công trình, cụm công trình trọng điểm với tổng kế hoạch vốn là 3.208 tỷ đồng. Giá trị giải ngân của các dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2013 đến tháng 7 là 2.396,2 tỷ đồng, đạt 56,9% kế hoạch.

Trong khi một số dự án cầu vượt trong nội thành đã hoàn thành góp phần tích cực cải thiện bộ mặt giao thông đô thị, hàng chục dự án khác lại đang trong tình trạng chậm tiến độ. Cụ thể, trong tổng số 55 dự án, có 22/40 dự án dùng vốn ngân sách thành phố bị chậm tiến độ. Đáng chú ý, toàn bộ 12 dự án theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) và 3 dự án xã hội hóa đều bị chậm tiến độ. Đặc biệt,  nhiều dự án có khối lượng GPMB trong nội thành đều chưa có dự án nào triển khai được do chưa xác định được giá đền bù GPMB.

Ông Ngô Văn Quý cho biết, nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ nói trên là do công tác GPMB của một số dự án gặp khó khăn. Việc thực hiện quy định bồi thường, GPMB theo cơ chế mới, việc xác định giá đền bù sát giá thị trường theo quy định mới của TP gặp nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ một dự án đang trong giai đoạn thực hiện... Ngoài ra, do thị trường BĐS tiếp tục trầm lắng, các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn triển khai dự án nên các dự án BT bị chậm. Nhiều chủ đầu  tư xin chuyển đổi hình thức đầu tư hoặc chủ động xin rút. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư còn chưa thực sự quyết liệt trong việc triển khai các thủ tục liên quan đến dự án; chưa tích cực, chủ động trong việc đề xuất các phương án giải quyết khó khăn, vướng mắc của dự án. Công tác GPMB còn chưa được các cấp, các ngành, các chủ đầu tư quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.

Thiếu vốn, tắc GPMB

Ý kiến từ phía chủ đầu tư các dự án trọng điểm cho thấy, vướng mắc trong GPMB và thiếu vốn vẫn là những nút thắt chính làm chậm trễ các dự án. Trưởng Ban GPMB TP Hà Nội, ông Trương Quang Thiều thừa nhận, GPMB với các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án trong khu vực nội thành hết sức khó khăn. Trong đó, vướng mắc nhiều nhất là các dự án đường vành đai I, vành đai II, các tuyến đường sắt đô thị, đường 5 kéo dài... Giám đốc Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn, ông Nguyễn Thế Bình cho biết, 6-7 tháng nay, dự án đường vành đai I (đoạn Ô Đống Mác – Nguyễn Khoái) không GPMB được m2 nào. Ông Nguyễn Thế Bình nói: “Chúng tôi phải xin lùi thời hạn hoàn thành dự án tới tháng 10-2014 vì GPMB chưa làm được gì...”. Tương tự, tại dự án đường 5 kéo dài, chủ đầu tư này cũng chỉ có thể hoàn thành trong năm 2014 nếu các huyện liên quan cam kết GPMB dứt điểm trong năm 2013.

Tại dự án vành đai II (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), ông Nguyễn Sỹ Bảo, Trưởng Ban Quản lý dự án trọng điểm phát triển giao thông đô thị cho biết, tổng nhu cầu vốn năm 2013 của dự án là 430 tỷ đồng, song hiện còn thiếu tới 425 tỷ đồng. 

Chủ đầu tư hiện đã báo cáo Sở KH-ĐT trình thành phố xem xét phân bố từ nguồn kế hoạch vốn trái phiếu xây dựng Thủ đô đợt 2 năm 2013.

Chủ trì buổi rà soát tiến độ 55 dự án trọng điểm chiều 7-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo thẳng thắn nhìn nhận, có nhiều công trình chậm, thậm chí rất chậm, trong đó, có những dự án nằm ở nhóm công trình dân sinh nên ít nhiều gây thêm tình trạng bức xúc trong dư luận.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu, trước hết, công trình nào có khó khăn vướng mắc, phải tập trung giải quyết ngay. Yêu cầu các đơn vị liên quan phải chủ động, không được phép trì trệ, thiếu trách nhiệm. Ông Nguyễn Thế Thảo đề nghị, tiếp tục đột phá vào khâu thủ tục, quy trình bởi khâu này hiện còn ì ạch. Chủ tịch UBND TP nói: “Phải rà soát để chấm dứt bệnh thờ ơ, quan liêu, giấy tờ... để kiểm soát tốt tiến độ công trình. Nếu các chủ đầu tư, sở, ngành không làm tròn trách nhiệm, TP sẽ kiên quyết xử lý nghiêm”.