50% nội các Canada là phụ nữ

ANTĐ - Mới đây, tân Thủ tướng Canada - Justin Trudeau đã thông báo bổ nhiệm một nửa nội các là phụ nữ. Bước đi này của ông đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Tuy nhiên, Canada không phải là quốc gia đầu tiên tăng cường sự hiện diện của nữ giới trong chính phủ. Các nước với phần đông phụ nữ trong ban lập pháp thường đạt được những bước tiến đáng kể về các vấn đề như giáo dục, lực lượng lao động hay nghỉ chờ việc có lương. 

50% nội các Canada là phụ nữ ảnh 1Nội các mới của Canada với 50% quan chức là phụ nữ

Thiên đường làm việc cho chị em

Quan chức các bộ ngành của Thụy Điển có đến 52% là nữ và Quốc hội cũng có tới 43% là phụ nữ. Vì vậy, không có gì là ngạc nhiên khi Thụy Điển được ví là thiên đường làm việc cho các chị em. Phúc lợi công của Thụy Điển đến từ các gia đình có thu nhập kép, nơi cả đàn ông và phụ nữ cùng làm việc và đóng góp cho gia đình. Và kết quả Thụy Điển có  tỷ lệ phụ nữ đi làm cao nhất châu Âu và gần như có tỷ lệ trẻ em nghèo đói thấp nhất. Các bậc phụ huynh ở Thụy Điển được nghỉ 16 tháng sau khi sinh con, với 13 tháng đầu được trả 80% thu nhập và các tháng còn lại được trả 100%. So sánh với chính sách của Mỹ, nơi không có chế độ trả lương khi nghỉ đã tạo ra một áp lực rất lớn lên phụ nữ và gia đình họ, dẫn đến tình trạng phụ nữ bị buộc phải bỏ việc hẳn.

Phần Lan là nước đi đầu các quốc gia khác trong vấn đề đưa phụ nữ lên nắm quyền, là một trong những nước đầu tiên trên thế giới mà phụ nữ không bị giới hạn quyền bầu cử hay ứng cử vào quốc hội. 62% quan chức trong các bộ ngành Phần Lan là phụ nữ và họ đã thành công trong việc tạo ra một hệ thống giáo dục công với các tiêu chuẩn vàng mới. Học sinh Phần Lan có kết quả học tập vượt trội hơn so với học sinh đến từ Mỹ, Anh hay Nga trên tất cả các lĩnh vực và họ luôn nằm trong top đạt thành tích xuất sắc. Theo xếp hạng, Phần Lan là một trong những quốc gia đáng sống nhất trên thế giới bởi có một hệ thống giáo dục xuất sắc, chế độ thai kỳ hậu hĩnh và chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tuyệt vời. Và phụ nữ là một nhân tố cố định trong Chính phủ của quốc gia này.

Nhưng, những quốc gia như vậy có rất ít. Trên toàn thế giới, các quốc hội chỉ có 22% là nữ giới và có tới 37 nước mà phụ nữ chiếm chưa tới 10% thành phần Chính phủ.

Tín hiệu mới 

Mới đây, ở Anh ra đời một đảng phái chính trị có thể đại diện cho họ nhằm mang lại sự bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực. Đó là đảng bình đẳng cho phụ nữ (gọi tắt là WE) được thành lập vào tháng 9-2015 với hơn 65 chi nhánh trên khắp nước Anh và thu hút trên 45.000 thành viên cũng như người ủng hộ tổ chức chính trị non trẻ này. Số liệu thống kê cho thấy chỉ có 25% số thẩm phán xứ Wales và 29% thành viên Quốc hội Anh là phụ nữ. Bất chấp sự ra đời của Luật Tiền lương Bình đẳng (EPA) năm 1970 của Anh, phụ nữ nước này vẫn nhận lương thấp hơn đồng nghiệp nam giới 20%. Những người thành lập WE cho rằng, các đảng phái chính trị chủ đạo ở Anh không mấy quan tâm đến các vấn đề của phụ nữ.

Mục tiêu đấu tranh của WE là phụ nữ phải chiếm 66% ứng cử viên để thay thế số thành viên Quốc hội về hưu và 75% trong Thượng viện. Các nhà lãnh đạo WE cho rằng, các tỷ lệ cao như thế là cần thiết để có thể nhanh chóng tạo sự cân bằng giữa nam và nữ trong tổ chức lập pháp cao nhất của đất nước. Những người thành lập WE hy vọng tổ chức đảng của họ sẽ giúp đưa mọi vấn đề của phụ nữ ra trước diễn đàn tranh luận chính trị ở Anh, đây là điều mà các đảng phái đại diện cho phụ nữ ở các quốc gia khác ở châu Âu cũng đang hướng đến. Năm 2014, Soraya Post, thành viên đảng Sáng kiến Phụ nữ Thụy Điển (FI), trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Nghị viện châu Âu (EP).

Tháng 4-2015, trên chính trường Na Uy cũng xuất hiện một tổ chức đảng của phụ nữ. Bà Soraya Post cho biết, đến lượt phụ nữ Phần Lan và Đan Mạch cũng bắt đầu xây dựng tổ chức tương tự như ở Thụy Điển trên đất nước họ. Nhìn chung, các quốc gia Bắc Âu có một số tiến bộ về bình đẳng giới, chiếm tỷ lệ thuộc hàng cao nhất thế giới.