50 mét và "nỗi buồn" di tích

ANTĐ - Lâu nay bảo tồn di tích vẫn chỉ là bảo tồn hiện trạng di tích chứ mấy ai quan tâm đến cảnh quan khu vực xung quanh di tích. Điều này dẫn đến tình trạng, di tích thì được cấp phép tu bổ, còn cảnh quan xung quanh muốn… ra sao thì ra. 
50 mét và "nỗi buồn" di tích ảnh 1

Làng cổ Đường Lâm nhiều nhà hiện đại sát cạnh nhà cổ

“Quy chế bảo vệ di tích còn quá bất cập” - quan điểm của nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đưa ra trong một tọa đàm về di sản khiến nhiều người chú ý. Ông chia sẻ một câu chuyện có thật ở xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh, chính quyền định cho xây một trường học ngay sát chùa Bút Tháp. Trường học này dự kiến sẽ cao khoảng 2 tầng rưỡi. Rất nhiều người phản đối, trong đó có ông, vì đây là di tích quốc gia đặc biệt. Chắc do nhận được nhiều ý kiến trái chiều nên cuối cùng công trình này không được thực hiện.

Khi hỏi ý kiến các cơ quan chức năng thì được biết, những công trình mới được xây phải cách di tích ít nhất là 50 mét. Tuy nhiên, 50 mét ấy là một khoảng cách rất ngắn. Trên thực tế, rất nhiều công trình, kiến trúc thản nhiên xây sát thiết chế văn hóa tồn tại hàng trăm năm như đình, chùa. “Thực chất khoảng cách này chỉ quy định cho di tích cấp quốc gia. Còn những di tích chưa được xếp hạng thì... tha hồ. Đây là thực trạng rất buồn cười ở nước ta vì bảo vệ di tích phải bảo vệ cảnh quan, chứ không thể bảo vệ trơ trọi mỗi di tích ấy được” - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho biết. 

Hiện nay, có rất nhiều công trình rơi vào cảnh bị bao vây bởi các công trình dân sinh, công cộng, mà không ai lên tiếng. Chùa Kim Liên cổ kính bị các khách sạn cao tầng vây sát xung quanh. Hay về làng cổ Đường Lâm dễ dàng bắt gặp cảnh nhà cao tầng lố nhố chen lẫn đình cổ vì chồng chéo các lớp bảo tồn. Nói như ông Phan Cẩm Thượng, ở Việt Nam tất cả đình đang bị tình trạng nhà dân ngang nhiên “xâm lấn”. Điều này mâu thuẫn so với trước đây, khi ngôi đình làng là cái “cữ” chiều cao của cả làng - không nhà nào được xây cao quá ngôi đình, xâm phạm khu vực lưu không. Đến nay, cùng với tốc độ đô thị hóa, quy ước này nghiễm nhiên bị bỏ qua. 

Đã là bảo tồn di tích, phải đặt di tích ấy trong tổng thể không gian văn hóa, môi trường xã hội và cảnh quan - những yếu tố tạo nên giá trị tổng thể và đặc trưng di tích.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia trong một hội nghị đã chỉ ra một ví dụ điển hình ngay tại Thủ đô Hà Nội: “Khi bảo tồn khu phố cổ, chúng ta không chỉ tập trung bảo tồn những ngôi “nhà ống” đặc trưng, nhà cổ tiêu biểu, những đình, chùa, đền, miếu, bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể… mà còn phải giải quyết đồng bộ những vấn đề gắn với con người và xã hội đã và đang tạo nên sức sống, cảnh quan cho di tích. Đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị, môi trường, cảnh quan, không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt đặc trưng khắc họa bản sắc, cốt cách riêng của khu phố cổ”.

Thiết nghĩ, nếu chỉ chăm chăm giữ nhà, mà phố không ra phố, đường không ra đường, nghề truyền thống mai một, người dân kêu khổ… thì có lẽ trùng tu bao nhiêu, làm đẹp thế nào cũng thất bại. 

Sơ hở trong bảo tồn dẫn đến trùng tu theo kiểu “mạnh ai người nấy chạy”, họa chăng  chỉ khiến cho diện mạo di tích xấu trở nên xấu xí. Khi đó, có cảnh báo, có muốn làm lại cũng chẳng kịp nữa rồi.