5 năm gia nhập WTO: Hệ quả không mong muốn

ANTĐ - Báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 3-4 cho thấy, sự kiện này đã mang lại nhiều hệ quả không mong muốn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Công nghệ ít được cải tiến sau 5 năm gia nhập WTO

Tiến sĩ Phạm Lan Hương - Quyền Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hội nhập đã khiến giá dầu thô và nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, thị trường xuất khẩu được mở rộng. Nhưng từ năm 2007-2011, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam chỉ đạt 6,5%, sụt giảm đáng kể từ năm 2000 đến nay. Mức tăng này thấp so với 7,8% của giai đoạn 2002-2006; Thấp hơn 7% của giai đoạn 1996-2000 và không đạt được mục tiêu 7,5-8% kế hoạch 5 năm. 

Phân tích nguyên nhân của tăng trưởng thấp, bà Phạm Lan Hương cho rằng từ cuối năm 2008, Việt Nam đã hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Giá nguyên liệu trên thế giới lại tăng cao trong thời điểm từ năm 2008-2011 đã tác động mạnh và nhanh hơn đến nền kinh tế, tạo sức ép lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Đặc biệt, từ tháng 10-2008, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến Việt Nam. Kinh tế bạn hàng suy thoái, xuất khẩu và FDI bị ảnh hưởng xấu. Nội tại nền kinh tế Việt Nam bộc lộ những hạn chế. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi: “Phải chăng chúng ta chưa tận dụng được các cơ hội, nên sau 5 năm gia nhập WTO, tiêu cực lại nhiều đến thế?”. Theo bà, nhiều chính sách của Việt Nam đưa ra thiếu cơ bản, không có hiệu quả tới đời sống người dân. Điển hình là năm 2009-2010, để đối phó với khủng hoảng kinh tế, Việt Nam đưa ra gói kích thích kinh tế 8 tỷ USD. Dễ dãi trong việc tung khoản tiền kích cầu lớn đã khiến Việt Nam lâm vào nợ xấu, đổ vỡ doanh nghiệp nhà nước. 

Cùng chung quan điểm này, Tiến sĩ Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, bỏ ra 8 tỷ USD để đổi lấy 1% tăng trưởng trong thời kỳ khó khăn là cái giá quá đắt, chưa kể những hệ lụy trong các năm tiếp theo. “Bài học của hội nhập 5 năm qua là nhiều tiền quá cũng không tốt, bởi trong thời điểm khó khăn, tiền hỗ trợ đã gây mờ mắt, chủ quan, không tính đến các bất ổn” - ông Võ Trí Thành nói.

Còn gần 8 năm nữa mới hết hạn để mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, hơn 6 năm qua,  Việt Nam vẫn cải thiện được quá ít về công nghệ. Ông Nguyễn Anh Dương - Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô  CIEM cho hay: “Xuất khẩu được coi là lợi thế của Việt Nam khi hội nhập, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào thương mại toàn cầu. Nhưng 5 năm qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu trung gian, phần lớn là hàng Trung Quốc để sản xuất ra được sản phẩm xuất khẩu cuối cùng”. Theo ông Dương “Chúng ta đang bôi sơn lên hàng Trung Quốc để thành hàng Việt Nam rồi xuất khẩu”! Điều này cũng dễ hiểu khi những con số nhập khẩu mới nhất đưa ra cho thấy, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 25% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại so sánh, sau 5 năm gia nhập WTO, công nghệ  của Việt Nam vẫn là “đạp máy khâu (ngành dệt may) và nối mối hàn (ngành đóng tàu)”. Theo bà Lan, thực tế gia nhập WTO cũng không làm tăng xuất khẩu của Việt Nam lên nhiều, vẫn ở mức khoảng 20% như trước đây. Doanh nghiệp xuất khẩu hầu hết làm gia công. Xuất khẩu gần đây đã “rơi” vào tay các doanh nghiệp FDI với trên 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước chỉ tăng xuất khẩu được 3%. “Nếu không có chiến lược cải thiện, một ngày nào đó, các doanh nghiệp FDI chuyển hướng đầu tư sang nước khác thì xuất khẩu của ta gay go” - bà Phạm Chi Lan cảnh báo.