5 điểm cần chú ý trước khi đặt bút ký hợp đồng vay tiêu dùng

ANTĐ - Theo đánh giá của các chuyên gia cũng như khách hàng, dịch vụ cho vay tiêu dùng từ các công ty tài chính ngày càng phát triển giúp việc vay vốn thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy vẫn có không ít trường hợp nảy sinh tranh chấp. TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, có 5 điểm chính trong hợp đồng người đi vay cần chú ý, bao gồm: số tiền vay; thời hạn vay; lãi suất; lệ phí cho món vay và chương trình hoàn trả.
5 điểm cần chú ý trước khi đặt bút  ký hợp đồng vay tiêu dùng ảnh 1

Người đi vay cần chú ý đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng hoặc nhờ người có chuyên môn tư vấn trước khi đặt bút

PV: Bên cạnh hệ thống các ngân hàng thương mại, hiện các công ty tài chính cũng cung cấp nhiều sản phẩm tài chính cho người tiêu dùng, ông có nhìn nhận gì về hoạt động của các công ty này? 

- TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện trong hệ thống tài chính Việt Nam có 3 nhà cung cấp tín dụng cho người tiêu dùng. Nhà cung cấp thứ nhất là các ngân hàng thương mại, nhà cung cấp thứ hai là các công ty tài chính và cuối cùng là các nhà cung cấp theo kiểu tín dụng đen. Trong đó, chỉ có hai nhà cung cấp đầu tiên là các nhà cung cấp chính thức.

Các ngân hàng xét duyệt một cách chặt chẽ với nhiều điều kiện khi cho vay, vì vậy một số đối tượng có nhu cầu vay nhưng không vay được. Còn các công ty tài chính xét duyệt tín dụng tương đối thuận lợi, thời gian cấp tín dụng cũng nhanh hơn. Trong nhiều trường hợp, các công ty tài chính không đòi hỏi tài sản đảm bảo. Vì vậy việc vay từ các công ty tài chính dễ dàng hơn.

Nếu có nhiều công ty tài chính, cung cấp được các dịch vụ đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của người dân sẽ góp phần giảm thiểu tác động nguy hại từ tín dụng đen. Ngoài ra, hoạt động cho vay tiêu dùng cũng góp phần kích cầu tiêu dùng, mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Ở tất cả các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng đóng góp một phần đáng kể trong GPD. 

5 điểm cần chú ý trước khi đặt bút  ký hợp đồng vay tiêu dùng ảnh 2

- Nhưng thực tế cũng cho thấy, không ít người vay vốn từ các công ty tài chính than thở vì lãi suất quá cao, nguyên nhân nào khiến mức lãi suất của các công ty tài chính áp dụng cao vọt? 

- Công ty tài chính không được phép huy động tiền gửi của người dân, mà thường phải huy động tiền từ các tổ chức tín dụng khác. Chính vì thế vốn của họ không phải là vốn rẻ, có thể họ phải trả đến 10%, thậm chí 15% trên vốn mà họ có thể vay từ thị trường tài chính, thêm vào đó là các rủi ro với các món nợ cho vay. Vấn đề là mức lãi suất cao như thế nào là hợp lý và cao như thế nào được cho là lãi suất cắt cổ.

Ngoài ra, các khoản vay của công ty tài chính thường có thời hạn rất ngắn, giá trị nhỏ, thậm chí nhiều khoản vay chỉ vài triệu đồng nhưng yêu cầu chung là phải làm thủ tục xét duyệt đơn giản, nhanh chóng, nên nhân viên tín dụng thường phải đến tận nơi làm việc với khách hàng. Điều này khiến chi phí hoạt động cho vay tiêu dùng khá cao, làm tăng chi phí quản lý của các công ty tài chính.

- Để tránh những tranh chấp có thể xảy ra khi vay tiền từ các công ty tài chính, người tiêu dùng cần chú ý những gì trước khi đặt bút ký vào hợp đồng?

- Các điều khoản quan trọng trong một hợp đồng tín dụng là số tiền vay, thời hạn vay, lãi suất, lệ phí cho món vay và chương trình hoàn trả. Đặc biệt, người đi vay phải hiểu rõ lãi suất đối với khoản vay được tính theo công thức nào, việc trả gốc, trả lãi được hoạch định như thế nào trong hợp đồng cho vay. Người đi vay phải nhận thức rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình. Người đi vay cũng nên có sự tư vấn của các luật sư, nhà tư vấn tài chính. Nhiều ngân hàng có cung cấp dịch vụ tư vấn, khi đó người đi vay có thể mang hợp đồng tới để các cán bộ ngân hàng giúp tìm hiểu xem có những điểm gì cần quan tâm.