Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính:

5 bài học đúc rút từ dịch Covid-19 để tăng khả năng tự chủ của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhìn lại một năm 2020 đầy biến động của nền kinh tế thế giới nói chung, và của Việt Nam nói riêng, bước sang năm mới 2021, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính để ghi lại bài học được đúc rút trong “mùa… Covid-19” nhằm nâng dần khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, đồng thời phải đa dạng hóa các thị trường, kể cả xuất khẩu và nhập khẩu để giảm thiểu các rủi ro khi một mắt xích trong chuỗi cung ứng không đáp ứng được yêu cầu.

Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, vì vậy đại dịch Covid-19 đã tác động sâu, rộng tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của nước ta. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực và chung tay của các Bộ, ngành, địa phương cả nước Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia thành công trong kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự suy giảm của kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn gây tác động tiêu cực mạnh mẽ đến các hoạt động của nền kinh tế.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,12% và cả năm ước thực hiện đạt khoảng 2%-3%, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch đề ra là 6,8% và so với mức tăng trưởng của năm 2019 (là 7,02%), song vẫn là kết quả tương đối khả quan so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các trụ cột của tăng trưởng đều bị ảnh hưởng, hoạt động thương mại có xu hướng tăng chậm lại. Xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm tăng 4,7% trong khi đó kim ngạch nhập chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu đình trệ thì kết quả này đã phản ánh được thành quả trong thực hiện định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu để giảm thiểu được rủi ro kinh tế do những biến động kinh tế bên ngoài. Cán cân thương mại trong 10 tháng đầu năm đạt thặng dư kỷ lục 18,72 tỷ USD khoảng 8,2% kim ngạch xuất khẩu.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng đã tác động đến việc thực hiện các hoạt động thu - chi ngân sách Nhà nước. Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước thực hiện trong tháng 10-2020, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 150,9 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu ngân sách Nhà nước 10 tháng đầu năm ước đạt 1.137,3 nghìn tỷ đồng, bằng 75,2% dự toán, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn giảm, như: xăng, dầu các loại giảm 45,4%; ô tô nguyên chiếc giảm 34%; sắt thép các loại giảm 17%... đã tác động làm giảm thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

Để kích thích nền kinh tế trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong tình hình mới, Bộ Tài chính sử dụng các công cụ tài chính, trong đó, đảm bảo ngân sách cho việc thực hiện các khoản chi ngân sách Nhà nước theo dự toán cũng như các nhiệm vụ mới phát sinh để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 10 ước đạt 131,3 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 10 tháng đạt khoảng 1.260,2 nghìn tỷ đồng, bằng 72,1% dự toán, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2019. Ngành Tài chính cũng đã tiên phong trong đề xuất và trình các cấp có thẩm quyền các giải pháp về chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội nhằm ứng phó kịp thời với dịch bệnh, thiên tai.

Cùng với việc ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính cũng phối hợp tích cực với các Bộ, ngành khác như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… để duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh hoạt động đầu tư công khi các hoạt động đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, khu vực FDI đang chậm lại do chịu tác động từ đại dịch Covid-19. Tính chung 10 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 354,6 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% kế hoạch năm và tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động điều hành của Bộ Tài chính trong giai đoạn vừa qua đã góp phần thúc đẩy phát triển thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Các tổ chức quốc tế đều đánh giá Việt Nam là một trong những nước có triển vọng tăng trưởng tốt so với các nước trong khu vực trong năm 2020 và năm 2021. Từ thực tế nghiên cứu, xây dựng và triển khai các giải pháp tài chính để ứng phó trong mùa Covid-19, Bộ Tài chính đã rút ra 5 bài học quan trọng nhằm nâng dần khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, đồng thời phải đa dạng hóa các thị trường, kể cả xuất khẩu và nhập khẩu để giảm thiểu các rủi ro khi một mắt xích trong chuỗi cung ứng không đáp ứng được yêu cầu.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kế toán, kiểm toán… để phát triển sức sản xuất của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế

Cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kế toán, kiểm toán…

để phát triển sức sản xuất của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế

Thứ nhất

Để ứng phó với các cú sốc, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, việc tăng cường sự phối hợp giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là rất quan trọng. Cần phải thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt để vừa đối phó với dịch bệnh vừa hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính sách tài khóa an toàn, thận trọng cùng với việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và nợ công từ trước khi đại dịch xảy ra cũng đã góp phần củng cố khả năng chống chịu của ngân sách Nhà nước, của nền kinh tế trước đại dịch; tăng cường hiệu quả phối hợp và trao đổi thông tin giữa các Bộ, ngành trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô nhằm ổn định lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính theo chiều sâu, bền vững và phát huy tối đa vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.

Thứ hai

Để nâng cao hiệu quả của chính sách, cần phải nâng cao dư địa chính sách tài khóa và đảm bảo an toàn an ninh tài chính quốc gia. Sử dụng hợp lý các công cụ của chính sách tài khóa, tiền tệ và của các chính sách vĩ mô nhằm cải thiện khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia. Thị trường thế giới gián đoạn, sản xuất gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến các nguồn thu ngân sách Nhà nước, việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, kích thích nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới sẽ gây áp lực lên ngân sách và nợ công.

Do vậy, cần phải tập trung đẩy mạnh các biện pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, thực hiện cắt giảm chi thường xuyên, nâng cao tính tiết kiệm, hiệu quả, kỷ luật trong chi ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung giải ngân vào đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu. Tăng tỷ trọng thu nội địa, bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đặc biệt là nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đảm bảo tỷ trọng giữa thuế thực thu và thuế gián thu ở mức hợp lý; nghiên cứu để ban hành và khai thác tốt thuế tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Hạn chế lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong các sắc thuế và chính sách ưu đãi thuế. Đảm bảo tính trung lập của thuế; tăng cường quản lý thu, hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại.

Đồng thời, cần tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ vay theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển, đặc biệt chú trọng quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo các rủi ro liên quan đến nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài quốc gia và các rủi ro tài khóa được quản lý, giám sát chặt chẽ trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Thứ ba

Dù Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt song Covid-19 cũng là sự nhắc nhở về nguy cơ nền kinh tế có thể phải chịu ảnh hưởng và bị “tổn thương” lớn từ những cú sốc bên ngoài khác vẫn hiện hữu do nền kinh tế có độ mở lớn, cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và FDI.

Do đó, để nâng dần khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục tích cực phối hợp với các Bộ, ngành nhằm: Tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kế toán, kiểm toán, trên cơ sở đảm bảo tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định, minh bạch, thông thoáng nhằm giải phóng, phát triển sức sản xuất của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh Covid-19. Tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thứ tư

Tăng cường hợp tác tài chính và đẩy mạnh việc đa dạng hóa nội dung, hình thức và các đối tác hợp tác quốc tế để góp phần nâng cao khả năng chống chịu về tài chính nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và thể chế kinh tế, trong đó có hệ thống văn bản pháp luật về thuế, hải quan, dịch vụ tài chính và các lĩnh vực tài chính phù hợp với các cam kết cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường dịch vụ tài chính.

Triển khai đồng bộ và theo dõi việc thực hiện các cam kết về thuế nhập khẩu trong các FTA đã ký kết theo lộ trình đã ban hành; tiếp tục theo dõi, nghiên cứu và đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế trong các FTA đến thu ngân sách Nhà nước, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước và tác động đến một số ngành hàng quan trọng để kịp thời điều chỉnh các chính sách liên quan và đề xuất các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của quá trình hội nhập tới kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh trong nước.

Thứ năm

Tăng cường và nâng cao năng lực dự báo trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, nâng cao năng lực dự báo diễn biến giá cả thị trường và theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường để có kịch bản điều hành chính sách tài khóa phù hợp từng thời kỳ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và cân đối ngân sách.