45 năm Báo An ninh Thủ đô - tự hào & yêu thương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời tòa soạn: 45 năm là khoảng thời gian không dài đối với lịch sử phát triển của Hà Nội - Thủ đô tròn 1010 năm tuổi. Nhưng với 45 năm, từ một bản tin của Công an thành phố Hà Nội, Báo An ninh Thủ đô đã có những bước phát triển dài, khẳng định được uy tín, thương hiệu của một tờ báo rất Hà Nội. Không chỉ khẳng định được vị thế của một tờ báo uy tín của Thủ đô, những thế hệ người làm Báo An ninh Thủ đô luôn tự hào rằng, tờ báo đã và đang nhận được sự yêu quý của độc giả, của cộng tác viên, những người đồng hành cùng An ninh Thủ đô trên mỗi trang báo trong suốt 45 năm qua. Số báo Xuân Tân Sửu 2021, đánh dấu một chặng đường trưởng thành và vươn lên mạnh mẽ của tờ báo. Và đó cũng là nơi để những người bạn cùng sẻ chia tình cảm. Để những thế hệ làm Báo An ninh Thủ đô thấy tự hào và được chia sẻ những yêu thương!

Nhà văn Đỗ Phấn: An ninh Thủ đô là ngôi nhà mang tinh thần Hà Nội

“Thực ra mà nói nếu gọi ngôi biệt thự 82 Lý Thường Kiệt là một ngôi nhà Hà Nội thì cũng không có gì sai. Tuy nhiên định nghĩa đúng đắn nhất phải gọi là một ngôi biệt thự lớn. Nó được người Pháp xây dựng từ hồi đầu thế kỷ trước. Nhưng gọi là một ngôi nhà với ý nghĩa tinh thần thì tuyệt vời đúng. Đó là trụ sở của Báo An ninh Thủ đô. Một ngôi nhà chung của phóng viên tòa soạn cùng với đông đảo cộng tác viên thân thiết đã làm nên diện mạo một tờ báo gần như không thể thiếu trong mỗi người Hà Nội hàng chục năm qua. Tôi là một độc giả trung thành như vậy cho đến tận hôm nay.

Một cơ may từ những năm 1990 thế kỷ trước, tôi đã được làm quen và đàm đạo với Tổng Biên tập của tờ báo thời điểm đó là Đại tá Đào Lê Bình. Đó là một sĩ quan có tác phong mạnh bạo, quyết đoán mà không kém phần tinh tế, học thức. Lúc ấy tôi còn chưa viết một chữ nào kể cả báo lẫn văn. Đại tá Đào Lê Bình bảo: “Ông viết cái gì đó về văn nghệ đi, chúng tôi ít người viết về mảng này quá!”. Tôi chần chừ phải đến hơn chục năm sau mới dám cầm bút viết cho An ninh Thủ đô. Cơ duyên này do phóng viên Vân Quế của bản báo và các bạn văn của tôi đưa lại cũng bởi lúc ấy tôi đã có gần chục đầu sách xuất bản rồi. Ban đầu còn viết cho nhiều chuyên mục của báo. Về sau báo xây dựng hẳn một chuyên mục “Sống ở Hà Nội” cho chúng tôi tha hồ có đất dụng võ.

Các nhà văn Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Việt Hà và Đỗ Phấn… lẽ dĩ nhiên là lựa chọn hàng đầu của chuyên mục. Đơn giản vì tất cả họ đều được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Đều đã từng trải qua thời chiến tranh bao cấp gian khó và cũng từng chứng kiến một Hà Nội êm đềm tĩnh lặng từ lúc nó chỉ vài trăm nghìn dân. Tuy thế, cái sự viết của họ lại vô cùng khác biệt.

Phạm Ngọc Tiến khúc chiết với những tản văn kèm lý sự của dân Kẻ Chợ. Nguyễn Ngọc Tiến là những biên khảo lịch sử Hà Nội với chi ly từng câu chuyện và nhân vật cũ kỹ. Nguyễn Việt Hà bay bổng với tản văn như những chuyện hài hước mà thâm sâu. Đỗ Phấn trầm tư tìm hiểu tính cách và sinh hoạt ẩm thực của người Hà Nội. Dường như chúng tôi biết cách nhìn nhau mà viết bởi thường xuyên đọc của nhau qua chuyên mục này. Không có chuyện trùng ý trùng lời hay lặp lại người khác cũng còn có công lao của biên tập viên và tòa soạn.

Vì là người có công việc khác nên tôi không bao giờ dám nhận viết mục “Sống ở Hà Nội” một cách thường xuyên. Nhưng cũng chính vì thế tờ báo đã cho tôi cơ hội rèn luyện ngòi bút của mình một cách tương đối chuyên nghiệp. Nhiều khi phóng viên Vân Quế gọi điện đặt bài chỉ trước một ngày hoặc ít hơn, chưa bao giờ tôi là người sai hẹn. Kết quả là những tạp văn đăng trên An ninh Thủ đô về sau tập hợp lại cũng in được vài cuốn sách. Và tôi đã in nó ra rồi. Giật mình mới thấy, nếu không có chuyên mục vui thích “Sống ở Hà Nội” của Báo An ninh Thủ đô thì tôi chắc chắn sẽ không có những cuốn tản văn nằm trong tủ sách “Hà Nội dưới mắt một người” của Nhà xuất bản Trẻ.

Chúng tôi giờ tuổi cũng cao rồi. Đóng góp cho tờ báo sẽ không còn được như trước nữa. Nhưng vẫn rất mong tờ báo ngày một phát triển. Dù ở hình thức nào đi nữa thì An ninh Thủ đô vẫn là một món ăn tinh thần khó quên của người Hà Nội”.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Hai chữ “An ninh” và “Thủ đô” hòa với nhau tạo nên phong vị riêng của tờ báo

“Tôi gắn bó với An ninh Thủ đô từ thuở tờ báo mới thành lập và Tổng Biên tập là nhà báo Trần Đức. Thời đó anh em chúng tôi đi viết văn, làm báo đều còn đang ở tuổi thanh niên cả, thường quây quần lại với nhau, gặp cái gì thích là viết, đăng báo là vui. Tính người đứng đầu báo gần gũi, trân quý văn nghệ sĩ nên ngày ấy Báo An ninh Thủ đô cũng là nơi chúng tôi hay tụ tập với nhau ở đấy. Sau này khi bận rộn với công việc văn chương, tôi ít có thời gian viết báo như trước nhưng vẫn là độc giả trung thành của An ninh Thủ đô.

45 năm qua An ninh Thủ đô vẫn là tờ báo gần với đời sống của Hà Nội, tin tức thiết thực, hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc. Đọc An ninh Thủ đô là người ta biết mọi mặt của đời sống Hà Nội đang diễn biến thế nào, nhất là đời sống an ninh trật tự. Tôi quý An ninh Thủ đô ở cách đưa tin trung thực, khách quan, phản ánh cả mặt tích cực và mặt chưa được khi nhìn nhận một vấn đề. Cái gì xuất phát từ sự chân thành, được phản ánh một cách cụ thể và đa chiều thì đều lay động tâm can, cảm xúc người đọc. Bên cạnh đó, tôi ấn tượng với cán bộ chiến sĩ của tòa soạn báo, từ các đồng chí lãnh đạo đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên đều giữ được sự thân ái cũng như tình cảm gần gũi với bạn đọc, cộng tác viên. Có thể vì thế mà chúng tôi có thể chia sẻ thoải mái với các bạn rồi gửi bài cộng tác mà không chút băn khoăn. Các bạn có lợi thế là ai cũng quý nên không ai từ chối lời đề nghị nào từ các bạn cả, lần nào gặp thấy vui như những người bạn quen cũ gặp lại nhau. Hai chữ “An ninh” và “Thủ đô” hòa với nhau tạo nên phong vị riêng của tờ báo”.

Cùng với đó, tôi rất thích khi đọc và mong có thêm nhiều những bài viết về những di tích, văn hóa, nếp sống của người Hà Nội. Những thứ đó thuộc về văn hóa trầm tích Thăng Long - Hà Nội, lắng trong đáy đất đai và tâm hồn của con người Hà Nội.

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa (Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam): Báo An ninh Thủ đô là “nhân chứng” một giai đoạn lịch sử, lưu giữ cả một thời để nhớ

“An ninh Thủ đô là một trong những tờ báo mà suốt nhiều năm, tôi đặt mua không thiếu số nào, cho tới khi tôi sang nước ngoài để dạy học một thời gian. Cho đến bây giờ, với những người ở lứa chúng tôi thì An ninh Thủ đô để lại ấn tượng sâu sắc và ghi dấu những kỷ niệm không thể nào quên.

Có thể nói báo giấy, trong đó có Báo An ninh Thủ đô là “nhân chứng” cho cả một giai đoạn lịch sử của đất nước, lưu giữ cả một thời để nhớ. Điều tôi thích khi đọc tờ báo của các bạn là sự chỉn chu trong từng câu chữ, thông tin sâu sát, gần gũi với đời sống và trân trọng độc giả. Điều đó được thể hiện trong từng chuyên mục, bài viết, thông tin được đăng tải trên tờ báo. Tất cả đều được phản ánh một cách khách quan, cân bằng được cả việc thông tin về những mặt trái, tiêu cực trong đời sống xã hội lẫn những tấm gương tốt, tiêu biểu điển hình. Sau này khi mạng xã hội và công nghệ số phát triển, những độc giả yêu quý Báo An ninh Thủ đô như tôi ngoài đọc báo giấy ra có thể truy cập thêm vào báo điện tử của các bạn để theo dõi, cập nhật thông tin.

Mặc dù là báo của ngành Công an song đọc An ninh Thủ đô, tôi thấy không bị cảm giác “nặng” về mặt an ninh trật tự, mà vẫn có những thông tin, bài viết rất nhân văn được thể hiện khéo léo, giàu hình ảnh và cảm xúc. Từ trước đến nay, Báo An ninh Thủ đô đã tạo được sự tin cậy và thiện cảm với độc giả, đem đến nhiều thông tin bổ ích, hấp dẫn tới độc giả. Hiện tại, An ninh Thủ đô vẫn là một trong những tờ báo đi đầu trong việc phục vụ quảng đại công chúng và được mọi người yêu quý”.

An ninh Thủ đô đã làm quá tốt phần bồi đắp và ứng xử văn hóa người Hà Nội

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Họa sĩ Lê Thiết Cương

“Đến ngày hôm nay, nhà tôi vẫn là đặt báo, là An ninh Thủ đô báo giấy. Đặt ở đây không phải tôi đặt ở bưu điện để họ mang qua mà là tôi dặn ngoài sạp báo, mỗi ngày để dành cho tôi một tờ. Giả sử, tôi có bận rộn gì không ra lấy được thì báo vẫn còn và tôi vẫn trả tiền. Tôi thích đi mua báo và nhà tôi cũng gần sạp báo. Bây giờ, ở Hà Nội, nhà nào chả có mạng. Nhưng mà tôi vẫn thích được đi mua báo.

Nhiều lúc tôi cữ nghĩ thế này. Trên đời, dù hiếm nhưng vẫn có người trúng xổ số, vẫn có người thi thoảng nhặt được cục tiền hay cục vàng ngoài thùng rác. Nhưng chưa từng có ai “trúng số độc đắc” về văn hóa cả. Tức là văn hóa không phải đùng một cái là có được mà nó phải được bồi đắp, như phù sa bồi đắp vậy, mỗi ngày mỗi chút một chút.

Và dưới góc nhìn của tôi, thì Báo An ninh Thủ đô của các bạn lâu nay vẫn đang và đã làm tốt được phần bồi đắp văn hóa, biết cách ứng xử văn hóa người Hà Nội. Điều này một phần thể hiện qua những bài viết “chất” trên 2 trang văn hóa được in mỗi ngày ở tờ báo giấy và chuyên mục trên báo điện tử. Tôi nhắc lại là văn hóa không như trúng số. Nghèo hôm trước, hôm sau trúng số đã giàu rồi, nhưng văn hóa thì không thể ngày hôm nay không, mai có được. Nó phải là quá trình phù sa bồi đắp, mưa dầm thấm lâu. Rất lâu mới có được.

Nhiều năm nay, Báo An ninh Thủ đô mang đến không chỉ cho lực lượng Công an nói riêng mà còn cả người dân Hà Nội rất nhiều thông tin hữu ích và thiết thực, ví dụ như giới thiệu một bức tranh đẹp, một cuốn sách hay, nết ăn nết ở, truyền thống, cách đối nhân xử thế… của người Hà Nội. Những người làm Báo An ninh Thủ đô cứ kiên nhẫn thế trong từng bài viết. Cho nên, sau này, tôi với tư cách là một bạn đọc của An ninh Thủ đô vẫn hy vọng tờ báo tiếp tục xây dựng các chuyên mục văn hóa. Văn hóa nó khó thế đấy!

Và tiếp nữa tôi muốn nói là văn hóa dù được bồi đắp, bền vững nhưng bền vững tới đâu thì lại mong manh tới đó, tất cả giá trị văn hóa truyền thống từ tuồng, chèo, cải lương, xẩm, ca trù, cho tới nghệ thuật - mỹ thuật điêu khắc, từ thời đồ đồng Đông Sơn, đến điêu khắc đình chùa thế kỷ 17-18 đến các dòng gốm…

Không tính giai đoạn trước, chỉ tính từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn… vẫn tồn tại không ai “giết” được, mặc dù đã có những lần can qua rất khủng khiếp, cũng không kể thiên tai địch họa, mà ví dụ ở đây là, dân tộc Việt đã trải qua 1.000 năm Bắc thuộc không đánh mất bản sắc, 20 năm thuộc Minh không mất bản sắc, dù triều đại này khi xâm chiếm Đại Việt chủ trương đốt sách, phá đình chùa, phá toàn bộ văn hóa của người Việt. Nhưng thật kỳ lạ, phá đến thế cũng không mất.

Nhưng mà, nó bền vững tới đâu thì mong manh tới đó. Ví dụ ai cũng nhìn thấy là khung cảnh làng quê hiện biến dạng rất nhiều. Nhiều ngành nghề thủ công truyền thống cũng đã mai một.

Nhắc lại, càng bền vững lại càng mong manh. Chính vì thế, muốn đưa cái tầng bền vững lên và giảm tầng mong manh đi thì chỉ có một cách là bồi đắp nó hàng ngày. Và chuyện của Báo An ninh Thủ đô cũng vậy!”.

An ninh Thủ đô mãi là tờ báo của Thủ đô, với nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc và bạn đọc Hà Nội

Họa sĩ Thành Chương

Họa sĩ Thành Chương

“Tôi đã cộng tác với Báo An ninh Thủ đô từ những ngày đầu tiên khi còn ở địa chỉ số 22 phố Hàng Giấy. Lúc ấy tôi đang là họa sĩ của tờ Văn Nghệ và nhận được lời mời vẽ tranh minh họa cho các tác phẩm truyện ngắn đăng trên tờ báo này. Thú thực, ban đầu tôi có chút e ngại. Vì cứ nghĩ đến ngành Công an, mà lại là tờ báo của ngành, nhiều người nghĩ chắc sẽ bị gò bó trong những khuôn khổ nhất định. Mà văn nghệ sĩ thì chúa là ghét sự khiên cưỡng, đóng khung như vậy. Những người làm công việc sáng tạo cần được tự do trong suy nghĩ và ý tưởng. Trong khi đang lưỡng lự, tôi quyết định sẽ cộng tác với An ninh Thủ đô vì sự tò mò.

Khi làm việc, tôi mới ngỡ ra là không phải như thế. Ở tờ báo này, những ý tưởng bao trọn sự sáng tạo và tâm huyết của người nghệ sĩ đều được chấp nhận và cách làm việc cũng rất hiện đại, thân thiện và cởi mở, không có sự phiền hà, khó dễ nào ở đây. Từ Tổng Biên tập đến các phóng viên, biên tập viên đều dành cho cộng tác viên sự ưu ái. Tình cảm thì như trong một gia đình, xởi lởi, thoải mái đến mức bỗ bã. Sự e dè, e ngại của tôi về việc không có đất cho sự sáng tạo đã bị xóa nhòa. Ở phần nghệ thuật, anh muốn cống hiến cái gì cũng được chấp nhận. Tư duy của những người làm Báo An ninh Thủ đô tiến bộ, đi trước. Nó xứng đáng là tờ báo an ninh của Thủ đô, những thông tin mang tính độc quyền trong phạm vi Hà Nội nhưng cũng có nhiều thông tin bổ ích và lý thú trên toàn quốc. Việc cân bằng giữa cái riêng và cái chung đã giữ bản sắc cho tờ báo.

Chính vì thông tin đầy đủ nên từ lâu, tờ báo không thể thiếu trong gia đình tôi chính là Báo An ninh Thủ đô. Chỉ cần giở tờ báo này ra là có đầy đủ mọi thông tin “nóng” nhất. Trong vài năm trở lại đây, tờ báo đã phát triển mạnh về mảng điện tử. Những thông tin thời sự được cập nhật rất nhanh và kịp thời. Với chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể nắm bắt tình hình thế giới và trong nước. An ninh Thủ đô đã chứng tỏ sức hấp dẫn về nội dung gây dựng được trong lòng bạn đọc.

Tôi mong muốn là những người làm Báo An ninh Thủ đô luôn giữ cho mình một tình yêu với nghề, với tờ báo mà mình đã gắn bó. Khi giữ được điều này, An ninh Thủ đô mãi là tờ báo của Thủ đô, với nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc và bạn đọc Thủ đô Hà Nội”.

Tờ báo của tình cảm, trí tuệ và tâm huyết

Họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa

Họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa

“Tôi có 20 năm gắn bó với An ninh Thủ đô và cộng tác ở lĩnh vực mỹ thuật. Bên cạnh đó, tôi còn giúp tờ báo ở các khía cạnh khác như minh họa, viết phóng sự dài kỳ, ảnh, truyện ngắn. Tất nhiên, tôi không sống bằng những công việc như thế nhưng qua việc cộng tác với An ninh Thủ đô, tôi đã được học hỏi nhiều điều. Đặc biệt là tình cảm gắn bó với tờ báo. Tôi và các cán bộ, phóng viên không còn là mối quan hệ cứng nhắc giữa cộng tác viên và tòa soạn mà là tình cảm thân thiết. Khoảng cách đã được xóa nhòa như anh với em, bạn với bạn.

Từ các thế hệ đàn anh như anh Xuân Viễn, anh Quang Cường, rồi đến các thế hệ kế cận như em Trần Quân, Vân Quế, Đức Tuấn…, chúng tôi đã gắn bó bên nhau một thời gian rất dài. Tôi vẫn nhớ những buổi gặp mặt cộng tác viên cuối năm, vui nhất là được gặp các văn nghệ sĩ lớn của đất nước cũng là cộng tác viên của An ninh Thủ đô. Tờ báo đã bắc nhịp cầu để những người làm văn hóa, văn nghệ chúng tôi có dịp hội tụ mỗi khi Tết đến Xuân về. Cũng trong cuộc gặp mặt cuối năm ấy, tôi đã gặp lại các thầy giáo đáng kính ở trường Mỹ thuật, ngôi trường tôi từng học tập. Điều ấy thật xúc động khi thầy giáo và những người học trò lại cùng sát cánh bên nhau để xây dựng hình ảnh và tên tuổi cho tờ báo.

An ninh Thủ đô đã bước sang tuổi thứ 45. Tờ báo có bề dày truyền thống. Tờ báo mà ở đó tôi thấy và dành nhiều tình cảm, trí tuệ và tâm huyết trong suốt 20 năm qua”.

An ninh Thủ đô - tờ báo dành nhiều “đất” viết về Hà Nội hơn bất cứ tờ báo nào của thành phố

Nhà văn - Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến

Nhà văn - Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến

“Trong mấy chục năm viết báo, tôi cộng tác khá đều đặn với hơn chục tờ lớn nhỏ, trong Nam ngoài Bắc đều có, ấy là không kể “xuân thu nhị kỳ” báo này đặt, báo kia nhờ. Phần lớn bài viết cho các báo là về văn hóa nhưng với An ninh Thủ đô lại khác, chỉ duy nhất chủ đề Hà Nội.

Kể từ khi nhận lời mời viết đều đặn mỗi tuần 1 bài cho chuyên mục “Sống ở Hà Nội” cho đến Tết con Trâu này thấm thoắt đã 4 năm. Mỗi năm có 52 tuần nhân với 4 năm tôi đã viết hơn 200 bài. Trước đó năm 2010, năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tôi viết 25 bài, tất cả đều về Hà Nội thân yêu. Có một điều rất lạ là An ninh Thủ đô là tờ báo của Công an thành phố Hà Nội nhưng lại dành nhiều “đất” cho các bài viết về Hà Nội hơn bất cứ tờ báo nào của thành phố này.

Dù là báo ngành nhưng viết cho An ninh Thủ đô không hề dễ bởi Ban biên tập, các biên tập viên đòi hỏi bài viết phải có chất lượng. Vì những yêu cầu khắt khe đó nên tôi có cơ hội “lặn lội” nhiều hơn trong kho tư liệu về Hà Nội để tìm ra những thông tin ít người biết, những chuyện lạ, hấp dẫn của đời sống kinh thành, Thủ đô trong suốt chiều dài lịch sử. Và cũng thật may mắn nhờ cộng tác với An ninh Thủ đô, tôi phải làm việc cật lực, suy nghĩ thấu đáo hơn - đó là tiền đề cho những cuốn sách về Hà Nội của tôi đã xuất bản”.