41 tổ chức tín dụng đang nắm giữ 274.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có 41 tổ chức tín dụng tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư nợ là 274.000 tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống. Trong khi có 29 tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu với dự nợ khoảng 427.000 tỷ đồng, chiếm 36,18% tổng khối lượng toàn thị trường.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết tính đến cuối năm 2021, có 41 tổ chức tín dụng tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của hệ thống là 274.000 tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống.

Thống đốc cũng cho biết, để đảm bảo an toàn hoạt động các TCTD, đáp ứng yêu cầu chi trả theo người dân, NHNN đã kiểm soát rất chặt chẽ việc TCTD mua TPDN thông qua nhiều quy định.

Cụ thể, hoạt động mua, đầu tư TPDN được tính vào dư nợ tín dụng của một khách hàng khi xác định giới hạn tín dụng theo luật các TCTD…; TCTD mua, bán TPDN phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%;

TCTD chỉ được mua TPDN khi phương án phát hành, phương án sử dụng vốn khả thi, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi, doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các TCTD trong vòng 12 tháng gần nhất.

TCTD không được mua TPDN phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành hoặc có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động...

Tổ chức tín dụng tham gia thị trường trái phiếu với cả vai trò nhà đầu tư lẫn tổ chức phát hành

Tổ chức tín dụng tham gia thị trường trái phiếu với cả vai trò nhà đầu tư lẫn tổ chức phát hành

NHNN thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình đầu tư TPDN của TCTD; từ đó chỉ đạo, cảnh báo, yêu cầu các TCTD kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư TPDN. NHNN phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra thực trạng phát hành của thị trường TPDN trong năm 2019 và 2020.

Đối với vai trò là nhà phát hành, hiện nay, TCTD là đối tượng phát hành trái phiếu lớn thứ hai trên thị trường TPDN hiện nay, là định chế chính tạo lập thị trường TPDN, góp phần gia tăng cả lượng và chất đối với hàng hóa được giao dịch trên thị trường TPDN.

Năm 2021, trái phiếu do TCTD phát hành chiếm 36,18% tổng khối lượng TPDN phát hành trên thị trường. Tính đến 31/3/2022, có 29 TCTD phát hành trái phiếu với dự nợ khoảng 427.000 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng vốn huy động nền kinh tế.

Để đảm bảo phù hợp với Luật Chứng khoán năm 2019 và các Nghị định 153, Nghị định 155 của Chính phủ về phát hành TPDN, thời gian qua, NHNN đã hoàn thiện cơ sở pháp lý về phát hành trái phiếu của các TCTD.

Đồng thời để kiểm soát TCTD đầu tư quá mức vào trái phiếu do TCTD khác phát hành, NHNN cũng bổ sung quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn như: loại trừ khỏi vốn cấp II của TCTD đầu tư trái phiếu đủ điều kiện tính vào vốn cấp II của TCTD phát hành, áp dụng hệ số rủi ro đối với khoản phải đòi các TCTD.

Theo Thống đốc, thị trường TPDN của Việt Nam có quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung dài hạn (năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP).

Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống TCTD khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn (tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn).

Do đó, việc thị trường TPDN phát triển minh bạch, hiệu quả giúp cân bằng, hài hòa theo hướng vốn ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ dựa vào hệ thống ngân hàng, vốn trung dài hạn dựa vào thị trường vốn.

Từ đó giảm rủi ro chênh lệch kỳ hạn, tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD phát triển lành mạnh, hiệu quả. Về phía doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư, sản xuất kinh doanh với nguồn vốn trung dài hạn.