"40 thế kỷ cùng ra trận" - khích lệ tinh thần yêu nước trong mỗi người dân Việt

ANTĐ - Nhẹ nhàng, mềm mại, không lên gân là bút pháp riêng biệt của nhạc sỹ Hồng Đăng trong sáng tác ca khúc. Thế nhưng, ít người biết rằng, thời điểm đất nước bước vào cuộc chiến bảo vệ biên giới, nhạc sỹ Hồng Đăng đã sáng tác một ca khúc đanh thép, có tính tổng kết chiều dài lịch sử của dân tộc chống giặc ngoại xâm. 

"40 thế kỷ cùng ra trận" - khích lệ tinh thần yêu nước trong mỗi người dân Việt ảnh 1Tác phẩm “40 thế kỷ cùng ra trận” đã tổng kết chặng đường chống giặc ngoại xâm của dân tộc

Nốt nhạc “lạ” trong bản hòa ca

Ca khúc “40 thế kỷ cùng ra trận” với ca từ ngắn gọn, súc tích và mạch lạc đã đọng lại ở một ý mà ai cũng thấy: dân tộc Việt Nam đã đi lên từ những gian khó, tiến lên bằng cách tự bảo vệ mình. Và tất cả những tiếng nói, những tiếng hát trong ca khúc đều ghi lại ý chí quyết liệt của những người cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Câu hát “Một tiếng nói chung chỉ một con đường…” đã chỉ ra đường đi tất yếu của dân tộc Việt suốt chiều dài 40 thế kỷ, với một ý chí, nguyện vọng hòa bình và độc lập dân tộc.

Và kẻ thù càng lớn bao nhiêu, người Việt Nam càng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. “40 thế kỷ cùng ra trận” là cảm xúc được dồn nén và tích tụ từ lâu trong lòng nhạc sỹ “Hoa sữa”, chỉ chờ một vệt nắng bất chợt là bừng lên những nốt nhạc đanh thép, động viên người ra trận. Trong không khí chung của thời điểm cả nước bước vào cuộc chiến bảo vệ biên giới, việc “40 thế kỷ cùng ra trận” được sáng tác cũng hoàn toàn dễ hiểu với người nhạc sỹ vốn nổi tiếng đa cảm, đau cùng nỗi đau của dân tộc. 

Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của nhạc sỹ Hồng Đăng, “40 thế kỷ cùng ra trận” được xem như tác phẩm có âm hưởng mạnh mẽ, dứt khoát. Nếu đem so sánh “Biển hát chiều nay” và “40 thế kỷ cùng ra trận”, người nghe không khó để nhận thấy sự khác nhau về giai điệu, tính triết lý giữa hai ca khúc nhưng lại thống nhất ở ước nguyện hòa bình và ý chí bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. 

Thổi bùng ngọn lửa sáng tạo

Nhạc sỹ Hồng Đăng chia sẻ, “Các ca khúc đề tài chiến tranh cách mạng nếu viết không khéo sẽ khô cứng và mang tính hô hào. Tôi luôn chọn cách viết nhẹ nhàng, không lên gân, dễ đi vào lòng người. Nhưng ở “40 thế kỷ cùng ra trận”, tôi lại thử một bút pháp mới để không giẫm lên bước chân của người khác cũng như giẫm lên bước chân của chính mình”. Bài hát đã ra đời được mấy chục năm và là tiếng hát của giới trí thức, sinh viên, công nhân, nông dân một thời. Đặc biệt, các chiến sỹ trong quân ngũ bao giờ cũng thấy gắn bó. Với tình yêu nước chính nghĩa, ca khúc “40 thế kỷ cùng ra trận” luôn được yêu mến và khích lệ tinh thần yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam.

Với hơn 200 ca khúc về đề tài chiến tranh cách mạng, nhạc sỹ Hồng Đăng được biết đến như cây bút viết khỏe, với phong cách sáng tác riêng. Nhạc sỹ Hồng Đăng không đặt ra cho mình một mục tiêu cố định, các tác phẩm của ông đều được ra đời từ sự tích tụ và dồn nén cảm xúc. Chính vì thế, dù không còn khỏe như trước, mật độ các ca khúc ra đời đã thưa hơn, nhưng nhạc sỹ vẫn không buông bút. Ông chỉ cần chờ một cái cớ để thổi bùng lên ngọn lửa của niềm đam mê sáng tạo.