40 năm ấy, biết bao nhiêu tình!

ANTĐ - Cầm trên tay cuốn sách ảnh “40 năm Đ5 - C500” (1973-2013), lật giở từng trang giấy được in màu cẩn thận, không khỏi ngỡ ngàng khi xem những bức ảnh, đọc những mẩu chuyện “ôn cố tri tân” của các cựu sinh viên Đ5 ngày nào. 

40 năm ấy, biết bao nhiêu tình! ảnh 1
Cựu sinh viên Đ5 gắn bó, yêu thương, trân trọng và luôn nhớ đến nhau mỗi khi cất lên
Bài ca truyền thống Đ5

“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba… Đ5!”

Xưa nay cứ nghĩ phàm đã là học viên Công an Nhân dân, được “tôi” mình giữa môi trường kỷ luật thép thì chắc là ít “trò” nghịch ngợm để nhớ hơn sinh viên trường khác. Hóa ra không hẳn vậy. Rộng ra thì chưa dám nói nhưng với các học viên của lớp Đ5 thì có vẻ… trên cả đúng! Đ5 với hơn 350 học viên bao gồm cả cán bộ công an đang công tác được cử đi học, học viên được chiêu sinh từ khóa Đ4 nhưng không kịp nhập học và cả học sinh phổ thông vừa qua kỳ thi đại học đủ điểm được tuyển vào học trường Đại học Công an.

Người Hà Nhì đầu tiên – anh Lý Phi Chờ cắp cặp đi học Đại học Công an cũng là ở lớp này. Ngày ấy học viên nhiều tuổi nhất Đ5 đã bước qua tuổi 35, còn người ít tuổi nhất mới chỉ vừa 16. Thú vị hơn cả là cả khóa đông như vậy nhưng chỉ có 18 “bóng hồng”, mà lại toàn “bóng hồng” xinh đẹp. Có lẽ vì “dương thịnh, âm suy” nên các trò “nhất quỷ, nhì ma” chủ yếu cũng từ các anh sinh viên sĩ quan mà ra.

Cho đến giờ mỗi lần gặp lại, nhiều cựu học viên Đ5 vẫn hỉ hả khi nhớ lại màn trốn vé tàu điêu luyện với điệu nhảy tàu Santo ngược ngay trước cửa trường. Vậy mới có chuyện lấy được 1 hào tiền vé tàu điện từ Bờ Hồ vào tới Hà Đông của các anh chàng sinh viên Đ5 là cực khó. Không chỉ vậy, các chàng sinh viên sĩ quan láu cá còn dùng thẻ học viên để “giành” quyền ưu tiên mua vé ô tô ở bến xe, ra vào ga hay mua thực phẩm theo tem phiếu thời bao cấp, chỉ bởi thẻ học viên trông rất giống với… thẻ thương binh. Rồi chuyện nhiều anh khối A (cán bộ Công an được cử đi học) bị nhà trường cấm mặc cảnh phục bắt xe, liền nghĩ ra cách giấu bộ quân phục với phù hiệu Công an trong xắc cốt khi về quê, chỉ chờ ra khỏi trường một đoạn, kiếm được bụi cây nào đó là thay đồ để vẫy xe đi nhờ cho dễ, từ xe tải đến cả xe… chữa cháy. Chuyện nhiều nam sinh viên Đ5 lười giặt giũ quần áo (chăm lắm thì giũ qua loa rồi vắt lên dây phơi) nhưng cũng rất thích làm “đỏm” trong bộ đồng phục màu “mắm tôm” đi dạo trên con đường từ cửa trường ra Thanh Xuân cũng là có thật. Nghe đâu cũng bởi trong bộ đồng phục này, nam học viên Đ5 cứ gọi là “oách” lắm, khiến các nữ sinh trường Nhạc Họa, Kiến trúc với Tổng hợp gần đó trông thấy là… mê tít. 

Ngày đó, giấy ra vào cơ quan được xem là giấy thông hành ra vào trường của sinh viên C500 (bây giờ là Học viện An ninh Nhân dân) mà mỗi tiểu đội cũng chỉ được cấp có 2 giấy do tiểu đội trưởng quản lý, song riêng với sinh viên Đ5 nổi tiếng “quái chiêu” thì ra hết cả tiểu đội cũng chẳng… khó khăn gì. Chả vậy mới có lưu truyền rằng thời Đ5 học, trong khối đào tạo chính quy, các lớp mang số lẻ thường “quậy” hơn các lớp mang số chẵn và Đ5 thì được mệnh danh là “quậy” nhất trong các lớp mang số lẻ. Cái án treo bằng tốt nghiệp 6 tháng dành cho một nam sinh Đ5 chỉ vì bắt được cái “tàu ngầm” đun nước làm từ hai mảnh lon sữa bò trên giường của anh này tới giờ vẫn là chuyện vui khiến nhiều cựu học viên Đ5 cười chảy nước mắt khi nhắc lại. Cái “tàu ngầm” đun nước ấy bị xem là “tang vật” của việc không chấp hành lệnh cấm đun nấu trong trường đề phòng chập cháy. “Tang vật” này nghe đâu còn được treo trên bảng thông tin nhà trường tới tận mấy năm trời sau khi Đ5 tốt nghiệp. 

“Bảo tàng” bằng ảnh và tư liệu 

Không quá khi nói rằng cuốn sách ảnh Đ5 vừa “ra lò” cách đây ít ngày chẳng khác nào tập sử liệu không chỉ về một khóa học, mà về cả một ngôi trường và cả những năm tháng đầy biến động của xã hội. Hơn 200 trang sách với gần 600 bức ảnh màu và đen trắng cùng rất nhiều giấy tờ được xếp vào dạng “cổ” những năm đầu thập niên 1970, từ giấy chiêu sinh, giấy báo tập trung, giấy chứng nhận Đoàn viên, giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng, giấy ra vào trường, giấy chứng nhận Công an Nhân dân... đến cả giấy kiểm soát xe đạp. Tất cả giống như những thước phim ngược dòng đầy chân thực và sống động mà hẳn không cứ thành viên của Đ5 hay học viên trường C500 mới thấy bồi hồi xúc động. Có những hình ảnh bình dị về cán bộ giáo viên trường dọn cỏ làm vệ sinh, có cả những bức ảnh ghi lại cảnh học viên tham gia làm đường rải nhựa trong trường, du ngoạn Hồ Gươm bằng xe đạp không pê-đan hay hành quân dã ngoại, tham gia sửa đường, đóng gạch xây dựng trường sở, nạo vét sông Tô Lịch… Thậm chí cả tấm vải may đồng phục sinh viên Đ5 được một học viên chụp lại và không biết bằng cách nào lưu giữ cho đến tận bây giờ. Hồi ức về một thời Đ5 được các cựu học viên nhớ chi tiết đến từng... xu. Sở dĩ nói vậy bởi đọc cuốn sách này, chẳng thể ngờ rằng có những tình tiết nhỏ nhặt, những con số vô cùng lôgic lại được những người biên soạn (vốn là cựu học viên Đ5) đã qua 40 năm rồi mà vẫn nhớ kỹ càng đến thế, từ tiền phụ cấp 5 đồng/tháng, tiền ăn “đại táo” 3 hào/bữa đến tiền giấy có mệnh giá từ 1 hào đến 10 đồng, tiền xu từ 1 xu đến 5 xu…    

Các sinh viên Đ5 ngày ấy còn vinh dự được tham gia lao động xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1974, vinh dự được đứng trong đội tiêu binh giữa các khối quần chúng nhân dân trên quảng trường Ba Đình lịch sử vào đúng Lễ duyệt binh ngày Quốc khánh 2-9-1975. Những ký ức đẹp này, đâu phải ai cũng có. 

Sâu nặng nghĩa tình đồng chí

Tháng 1-1975, các sinh viên Đ5 từng có chuyến đi thực tế một tháng tại xã Yên Sở, huyện Thanh Trì, Hà Nội để thực hiện chương trình 3 cùng - “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân. Chuyến đi không hẳn là lâu nhưng để lại sợi dây tình cảm gắn bó không hề ngắn ngủi. Câu chuyện về hai sinh viên Đ5 Nguyễn Văn Kiểm và Vũ Kim Thành là một ví dụ. Ngày ấy hai chàng sinh viên sĩ quan Đ5 này về ở tại nhà cụ Cao Thị Măng, đội 7, khu I, làng Sở Thượng. Thời gian ở cũng chỉ vẻn vẹn 1 tháng song suốt 40 năm qua, hễ các dịp lễ Tết hay gia đình cụ có việc hiếu hỉ, cả hai vẫn thường tìm về chia sẻ dù cụ Măng đã qua đời hơn 20 năm. Sau này khi ra trường, dù mỗi người một phương nhưng ngày vui của các bạn đồng môn hay những cuộc chia ly tiễn biệt bạn bè, người thân, những người bạn Đ5 thuở nào lại tìm về, trao cho nhau nụ cười và nước mắt. Những cuộc thăm nhà và gặp mặt cũng với tình cảm trân trọng ấy như sợi dây nối dài mối tình cảm giữa các cựu học viên Đ5 ngày nào.

Sau lần hội ngộ đầu tiên kể từ khi ra trường vào năm 1990, các thành viên Đ5 vẫn  duy trì Hội khóa 5 năm/lần, nhưng từ năm 2008 đến nay thì năm nào cũng Hội khóa toàn quốc, từ Thủ đô Hà Nội đến TP.HCM, từ Đà Nẵng… đến thành phố Buôn Ma Thuột - thủ phủ của Tây Nguyên hùng vĩ. Có lẽ so với các khóa đào tạo đàn anh, đàn chị đi trước và cả lớp đàn em sau này thì Đ5 là một trong những khóa đào tạo tổ chức nhiều cuộc gặp mặt nhất Học viện An ninh Nhân dân. Đặc biệt hơn cả bởi suốt bấy nhiêu năm qua, cũng từ sự nhớ thương và trân trọng về nhau mà rất nhiều học viên Đ5 đã nối dài nhiều hoạt động từ thiện đến những nơi có các bạn Đ5 của mình. Người viết bài này đã có vinh dự cùng một Phó Tổng Biên tập Báo ANTĐ (học khóa Đ5) nhiều lần đi công tác xã hội tình nghĩa đến Hà Tĩnh (quê hương của các anh Trần Văn Lợi, Trương Quang Minh…), Quảng Bình (quê hương của các anh Hồ Minh Chiến, Phan Văn Cư…), Quảng Nam (quê hương của các anh Lê Ngọc Nam, Đào Sơn…) để xây nhà tình nghĩa, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc và tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với đất nước… Ở đó có những người dân khó khăn cần giúp đỡ, và đó cũng là quê hương của những người bạn Đ5 thân thương thuở nào. 

Cũng với tình cảm uống nước nhớ nguồn, từ lâu nay các sinh viên Đ5 vẫn bảo nhau tìm về ngôi trường C500 trong nhiều dịp tựu trường hay những ngày kỷ niệm. Tháng 5-2013 vừa rồi, Đ5 đã tặng Học viện An ninh Nhân dân pho tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày tựu trường. Bức tượng cao hơn 2m, nặng 995kg được đặt tại phòng Truyền thống của Học viện. Đây là tấm lòng, là tình cảm của sinh viên khóa Đ5 và người có công nhiều nhất trong việc làm ý nghĩa này là cựu sinh viên  Vũ Văn Cường quê ở Bắc Giang, hiện đang công tác và làm việc tại TP.HCM. 

Trong lần gặp mặt năm 2012 tại Đà Nẵng, các sinh viên Đ5 hẹn nhau sẽ tề tựu tại ngôi trường mà 40 năm về trước ước rằng “Đ5 học ở đâu thì Hội khóa 40 năm ở đó”. Có người bảo đây có lẽ là lần Hội khóa cuối cùng của Đ5, bởi thời gian qua đi, khi tuổi đã già và sức không còn khỏe, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, các bạn Đ5 sẽ khó lòng gặp nhau đông đủ. Nhưng người viết không nghĩ vậy mà tin rằng sẽ còn nhiều lần Đ5 tề tựu bên nhau, không chỉ trong những lần Hội khóa. Bởi dù ở chân trời góc biển nào thì những cô, cậu sinh viên sĩ quan ngày ấy luôn nhớ về nhau, như lời Bài ca truyền thống Đ5 đã hát: “Mai đây phương trời xa rồi, lại nhớ mái trường thân yêu…”.