Đằng sau quyết định biên chế vội vã khu trục hạm Type 052D của Trung Quốc (1):

4 nghi vấn lớn trong lễ bàn giao khu trục hạm 172 Côn Minh

ANTĐ - Vừa qua, Hải quân Trung Quốc đã làm lễ tiếp nhận tàu khu trục phòng không thế hệ mới Type 052D đầu tiên mang số hiệu 172 Côn Minh. Điểm đặc biệt nhất là lễ biên chế chiếc tàu này được tổ chức dường như quá vội vã, có phần “cẩu thả” tại chính nhà máy đóng tàu chứ không phải tại một căn cứ hải quân của hạm đội Nam Hải. Vậy điều gì đã xảy ra với chiếc tàu khu trục này?

Tàu khu trục Type 052D (lớp Lữ Dương III) là loại tàu khu trục tên lửa thế hệ mới nhất do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo, được xem như là một đại diện mới cho sức mạnh Hải quân Trung Quốc. Nó đã thu hút được sự quan tâm chú ý của giới quan sát quân sự, kể từ khi khởi công cho đến khi hạ thủy và bàn giao cho hải quân Trung Quốc tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam - đảo Trường Hưng - Thượng Hải.

Được biết, tàu được trang bị hệ thống tác chiến chỉ huy tổng hợp, hệ thống ra đa mạng pha chủ động tứ giác thế hệ mới (AESA). Khả năng tàng hình và tính năng tổng thể toàn diện đã được nâng cấp mạnh, thiết bị động lực cũng được nâng lên một tầm cao mới.

Tàu được trang bị pháo hạm tàng hình H/PJ-38 130mm, hệ thống tên lửa chống hạm tầm xa và hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng 64 ống phóng. Hệ thống này có thể sử dụng để phóng cả tên lửa hành trình đối đất Đông Hải 10 (DH-10), phiên bản song sinh của tên lửa hành trình phóng trên máy bay ném bom H-6 là Trường Kiếm 10 (CJ-10) và tên lửa phòng không tầm cao, tầm xa Hải Hồng Kỳ 9 (HHQ-9), phiên bản trên hạm của tên lửa phòng không mặt đất HQ-9.

So sánh với tàu khu trục Type 052C (Lữ Dương II), tàu khu trục Type 052D đã được cải tiến về mọi phương diện. Thậm chí có người cho rằng, tàu khu trục loại này có tính năng tương đương với tàu khu trục Aegis lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ, nhưng khả năng tác chiến thực sự của chiến hạm lớp Lữ Dương III vẫn còn nhiều vấn đề chưa xác định.

Tuy nhiên, về khả năng tác chiến của chiến hạm Type 052D, chúng ta không cần suy đoán nhiều vì trước sau nó cũng sẽ lộ diện. Thu hút sự chú ý theo dõi hơn cả chính là quá trình bàn giao tàu khu trục 172 Côn Minh, trong đó có rất nhiều điểm đáng hoài nghi mà giới quân sự cũng không thể lý giải được. Vậy trong những chi tiết bất bình thường này có gì bí mật đang còn ẩn giấu?

Thứ nhất: 172 Côn Minh được bàn giao tại nhà máy chứ không phải là căn cứ hải quân

Nhìn lại những chiến hạm của Hải quân Trung Quốc được đưa vào biên chế trong thời gian gần đây, về cơ bản sau khi hoàn thành việc đóng tàu và trải qua thời gian chạy thử tại nhà máy chế tạo đều được đưa về căn cứ của hải quân làm lễ bàn giao.

Ví dụ như tàu hộ vệ Từ Châu - chiếc đầu tiên thuộc Type 054A được đưa vào biên chế của một quân cảng thuộc Hạm đội Đông Hải; nghi thức bàn giao tàu khu trục đầu tiên Type 052C mang tên Lan Châu được tổ chức tại quân cảng Tam Á - Hạm đội Nam Hải; lễ bàn giao tàu hộ vệ hạng nhẹ đầu tiên Type 056 được tiến hành ở cảng Châu Sơn - Hạm đội Đông Hải.

Nhưng lễ gia nhập vào lực lượng tàu chiến Hải quân Trung Quốc của tàu khu trục Type 052D đầu tiên lại được tổ chức ở tại nơi nó được “sinh ra” là Nhà máy đóng tàu Giang Nam ở đảo Trường Hưng - Thượng Hải. Nhất là chiến hạm này lại được biên chế cho hạm đội Nam Hải lại càng làm dấy lên sự hoài nghi không thể tránh khỏi trong giới quân sự, đang theo dõi sát sao nhất cử nhất động của chiếc tàu này.

Thứ 2: Bề ngoài con tàu không giống như đang làm lễ bàn giao

Thông thường khi làm lễ bàn giao chiếc tàu đầu tiên mà Trung Quốc nghiên cứu chế tạo, thì Tư lệnh Hải quân cùng với Tư lệnh hai hạm đội Nam Hải và Bắc Hải đều đến dự, nghi thức vô cùng long trọng. Nhưng ở đây trông không có vẻ gì là “lễ bàn giao” cả.

Nhìn từ bức ảnh chụp quang cảnh bàn giao tàu, có thể phát hiện thấy bề mặt tàu trông không giống thật, boong tàu có chỗ thậm chí còn bẩn, không được vệ sinh sạch sẽ. Điều này thể hiện rõ nhất ở những bức ảnh chụp mặt boong sau của tàu trong lễ bàn giao.

Thứ 3: Mục đích của việc “sử dụng trước” là gì?

Tàu khu trục tên lửa 172 Côn Minh từ khi hạ thủy vào cuối tháng 08-2012 và đến khi biên chế chính thức tháng 03-2014, tức là chỉ mất 1 năm 7 tháng đã được đưa vào biên chế Hải quân Trung Quốc.

Trong lễ bàn giao tàu khu trục đầu tiên của lớp Lữ Dương III chúng ta có thể thấy, có một chiếc tàu khu trục lớp Lữ Dương II còn neo đậu trong nhà máy. Được biết, chiếc tàu này là tàu khu trục thứ 5 thuộc Type 052C, được hạ thủy vào tháng 01-2012 nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào biên chế, thậm chí còn chưa có phiên hiệu. Còn tàu Côn Minh hạ thủy vào tháng 08-2012 lại được bàn giao cho hải quân trước. Vậy đằng sau việc “sử dụng trước” có nguyên nhân gì?

Thứ 4: Ưu tiên triển khai ở biển Đông có liên quan đến tàu sân bay Liêu Ninh?

Hiện nay Hải quân Trung Quốc đã sở hữu 4 tàu khu trục Type 052C, 2 chiếc thuộc ở Hạm đội Nam Hải, 2 chiếc ở Hạm đội Đông Hải. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã được đưa vào biên chế hơn 1 năm nay mà hiện nay Trung quốc vẫn chưa xây dựng được biên đội tàu sân bay chính thức, một trong những nguyên nhân chính là số lượng tàu hộ vệ và tàu khu trục bảo vệ tàu sân bay vẫn chưa đủ.

Cuối tháng 12-2013, tàu sân bay Liêu Ninh đã hành trình xuống biển Đông để huấn luyện và thử nghiệm nghiên cứu. Trong đợt huấn luyện đó, tàu sân bay Liêu Ninh đã hoàn thành kế hoạch thực hành hơn 100 khoa mục huấn luyện và thử nghiệm ở khu vực biển Đông. Kiểm nghiệm hệ thống điều khiển kỹ thuật như: Hệ thống tác chiến, hệ thống động cơ và khả năng kết hợp giữa các bộ phận trên tàu cũng đạt được những kết quả rất tốt.

Trong quá trình huấn luyện, tàu sân bay Liêu Ninh được sự hộ tống của một số tàu mặt nước và tàu ngầm, hình thành một biên đội tác chiến tàu sân bay. Chiếc đầu tiên Type 052D này được trang bị cho Hạm đội Nam Hải, liệu trong tương lai nó có gia nhập vào đội hình chiến đấu của tàu sân bay hay không?

(Còn nữa)