32 phiên bản kim ấn triều Nguyễn gắn liền với quá trình điều hành và quản lý nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Triển lãm “Phiên bản kim ấn triều Nguyễn” trưng bày 32 chiếc ấn làm bằng gốm thếp vàng, được chế tác dựa trên các tiêu bản kim ấn triều Nguyễn lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trong đó có ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo, ấn Sắc mệnh chi bảo, Tề gia chi bảo, và ấn của các Hoàng thái hậu, Hoàng thái phi, Hoàng thái tử …

Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Nghệ nhân nhân dân Trần Độ tổ chức khai mạc triển lãm “Phiên bản kim ấn triều Nguyễn” nhằm hưởng ứng hoạt động Festival Huế 2022.

Do Nghệ nhân nhân dân Trần Độ thực hiện, 32 chiếc ấn làm bằng gốm thếp vàng, được chế tác dựa trên từ các tiêu bản kim ấn triều Nguyễn lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, góp phần tái hiện một phần lịch sử triều Nguyễn từ câu chuyện của những nhân vật, những sự kiện gắn với hoàng cung Huế một thời.

Phiên bản kim ấn Khâm văn chi Tỷ.- Kim ấn này được đúc vào năm Minh Mạng thứ 8 (1827).

Phiên bản kim ấn Khâm văn chi Tỷ.- Kim ấn này được đúc vào năm Minh Mạng thứ 8 (1827).

Sự hiện diện của những phiên bản kim ấn triều Nguyễn bằng chất liệu gốm là một sự trải nghiệm mới trong nghệ thuật tạo hình và chế tác gốm Bát Tràng của Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ, giúp du khách tham quan cố đô Huế hiểu thêm về một loại cổ vật đặc biệt, gắn liền với quá trình điều hành và quản lý nhà nước dưới thời Nguyễn.

Phiên bản kim ấn Hoàng Thái tử bảo. Ấn đúc Gia Long thứ 15 (1816) để sắc phong Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (Hoàng đế Minh Mạng sau này).
Phiên bản kim ấn Hoàng Thái tử bảo. Ấn đúc Gia Long thứ 15 (1816) để sắc phong Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (Hoàng đế Minh Mạng sau này).

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã cho làm hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (kim bảo) hoặc chế tác từ ngọc quý (ngọc tỷ): Thời Gia Long (1802-1820) có 12 chiếc, thời Minh Mạng (1820-1840) có 15 chiếc, thời Thiệu Trị (1841-1847) có 10 chiếc, thời Tự Đức (1848-1883) có 15 chiếc, thời Kiến Phúc (1884) và Hàm Nghi (1885) đều có 1 chiếc, thời Đồng Khánh (1885-1888) có 5 chiếc, thời Thành Thái (1889-1907) có 10 chiếc, thời Khải Định (1916-1924) có 12 chiếc và thời Bảo Đại (1925-1945) có 8 chiếc. Điều đáng tiếc là một số chiếc ấn đã bị đánh cắp hoặc tiêu hủy; số còn lại gồm 85 chiếc ấn (với các chất liệu vàng, ngọc, bạc), nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.