30 năm phong trào “Người tốt, việc tốt” Thủ đô: Câu chuyện đáng suy ngẫm về "căn cước văn hóa"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, công dân Thủ đô không chỉ được xác nhận bằng hộ khẩu, căn cước công dân mà cần “căn cước văn hoá" trong mỗi con người...
Nhà báo Hồ Quang Lợi với câu chuyện đáng suy ngẫm về Công dân Thủ đô và "căn cước văn hóa"...

Nhà báo Hồ Quang Lợi với câu chuyện đáng suy ngẫm về Công dân Thủ đô và "căn cước văn hóa"...

Tại Hội thảo 30 năm phong trào "Người tốt, việc tốt" Thủ đô sáng 9-6, những ý kiến tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học, nhà báo, doanh nghiệp, các cá nhân điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt tiêu biểu… đã mang lại “bức tranh” toàn cảnh về “rừng hoa” người tốt, việc tốt của Thủ đô.

Chấn hưng văn hoá người Hà Nội

TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhắc đến hàng loạt các tấm gương người tốt điển hình là giáo viên, công chức, trưởng thôn, nông dân bình dị hay phong trào “Mỗi ngày, mỗi cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô làm ít nhất một việc tốt vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc nhân dân”... “Phong trào thi đua người tốt việc tốt là biểu hiện sinh động tinh thần thi đua yêu nước, xây dựng Thủ đô và tình yêu Hà Nội”, TS Lưu Minh Trị khẳng định.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phân tích việc phát huy hiệu quả việc gắn kết phong trào “Người tốt, việc “ với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Nhà báo Hồ Quang Lợi nhắc lại việc, 30 năm trước hai bộ phim tài liệu chính luận “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy được công chiếu đã lay động sâu sắc tâm thức người Hà Nội. Hơn ba thập kỷ đã trôi qua rồi, giờ đây “người tử tế, chuyển tử tế không thiếu quanh ta, nhưng chuyện không tử tế, người không tử tế có vẻ không ít đi mà cách thức biểu lộ có chiều còn lây lan theo những trận “ném đá" bạo liệt và độc địa trên mạng xã hội".

Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ: “Một đô thị, dù có hoa lệ đến mấy, chỉ thực sự đáng sống khi con người biết và muốn sống tử tế. Tính nhân văn, lòng nhân ái phải là ngọn lửa sưởi ấm, là ánh sáng trong cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Thái độ ứng xử trước nỗi đau, tai họa của người khác là phản ứng tự nhiên mang tính người, là thước đo đạo đức là sự sát hạch đạo đức xã hội một cách nghiêm khắc nhất”.

Đặt câu hỏi làm sao để những giá trị văn hiến của đất kinh kỳ, cốt cách, khí phách, sự lịch lãm của người Hà Nội tiếp tục duy trì, biến thành hành động bình thường nhất, nếp sống nêu gương cho cả nước… nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, điều này đòi hỏi mỗi người dân Hà Nội phải luôn ý thức sâu sắc niềm vinh dự và trách nhiệm khi được làm “công dân Thủ đô". Vì thế, cần nhiều hơn nữa người tốt, việc tốt xuất hiện hàng ngày. Chấn hưng văn hoá người Hà Nội rất cần ý thức tự giác.

Tuy nhiên, bên cạnh việc giáo dục, thuyết phục, cần có chế tài buộc mọi người phải tuân thủ, từ đó tạo thành thói quen, dẫn dẫn hình thành nếp sống. Hai bộ quy tắc ứng xử mà Hà Nội đang triển khai thực hiện đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố trong việc xây dựng văn hoá ứng xử ở Thủ đô.

“Đã đến lúc mỗi công dân Hà Nội, những ai nhập cư về Hà Nội, cần thấm sâu niềm tự hào và trách nhiệm căn bản của danh xưng “người Hà Nội” thanh lịch, văn minh. Công dân Thủ đô không chỉ được xác nhận bằng hộ khẩu, căn cước công dân mà cần “căn cước văn hoá" trong mỗi con người”, Nhà báo Hồ Quang Lợi nói.

Nhà thơ Bằng Việt tham luận tại Hội thảo 30 năm phong trào "Người tốt, việc tốt" Thủ đô

Nhà thơ Bằng Việt tham luận tại Hội thảo 30 năm phong trào "Người tốt, việc tốt" Thủ đô

Đổi mới để có hiệu ứng xã hội rộng rãi hơn...

Nhà thơ Bằng Việt góp ý, cứ 5 năm một lần, cần chọn ra những bài viết hay nhất về các tấm gương điển hình đặc biệt, đã có nhiều ảnh hưởng và tạo hiệu quả xã hội cao nhất, để xây dựng một tuyển tập, phát hành rộng rãi ra công chúng, chứ “không để nó chỉ nằm mãi ở loại “sách không bán” như hiện nay, rất lãng phí!“.

“Cần phải đổi tên sách, không nên để là “Người tốt việc tốt" như lâu nay đã quen thuộc, tên đó tuy đúng và hợp lý nhưng lại không hấp dẫn bạn đọc trên thị trường sách báo! Vậy nên đặt cho nó một cái tên khác, tạo được ấn tượng và sự chú ý hơn, đại loại như "Những trái tim tâm huyết làm đẹp Thủ đô”, hay “Ai từng dám vươn lên từ hoàn cảnh đời thường?", hoặc đơn giản hơn. “Năm năm qua - những gương mặt người Hà Nội đáng nhớ"…. Tôi tin rằng, nếu chọn lựa và biên tập tốt, lại có tuyên truyền quảng bá kịp thời, thì loại sách “Người tốt việc tốt chọn lọc" trên đây, cùng với những cái tên mới hấp dẫn hơn, sẽ đập vào sự hiếu kỳ tò mò muốn tìm hiểu của bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi, do vậy, có thể phát huy được tác dụng cao hơn, tìm đến được số lượng độc giả đông đảo hơn, nhất là độc giả trẻ, từ đó, có hiệu ứng xã hội rộng rãi và sâu sắc hơn”, Nhà thơ Bằng Việt nói.

Các ý kiến tham luận của các sở ngành cũng đề xuất nhiều giải pháp để xây dựng và tuyên truyền đa dạng trên mạng xã hội, sâu rộng những tấm gương điển hình tiên tiến, mang phẩm chất yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô; thanh lịch văn minh, trung thực, tự trọng, nghĩa tình, có trí thức, năng động, sáng tạo, tiêu biểu cho phong cách lao động mới...

Hội thảo cũng được nghe những kinh nghiệm quý giá trong phong trào "Người tốt, việc tốt" trong lực lượng vũ trang Thủ đô; các quận, huyện... Đó còn là những kinh nghiệm trong việc phát hiện, biểu dương gương tốt, việc tốt từ mỗi gia đình, thôn xóm; của những doanh nghiệp Thủ đô đang từng ngày nỗ lực chiếm lĩnh thị trường, vươn ra thế giới...

Các ý kiến xác đáng sẽ góp phần không nhỏ để phong trào “Người tốt, việc tốt” Thủ đô tiếp tục là điểm sáng, nhân rộng thêm nghìn “bông hoa đẹp” vì Thủ đô thân yêu…

Tin cùng chuyên mục