30 năm khúc hát “Chiếc xe thồ Điện Biên”

ANTĐ - “Hình ảnh chiếc xe thồ theo tôi từ những ngày Điện Biên khói lửa, qua mặt trận 559 rồi đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thế nhưng, đến tận năm 1984, tròn 30 năm chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ca khúc 'Chiếc xe thồ Điện Biên' mới ra đời”, nhạc sĩ Huy Thục, người lính của Điện Biên năm xưa tâm sự.
Ở tuổi gần 80, vị nhạc sĩ già vẫn không giấu được sự xúc động và cả niềm tự hào khi nhắc tới những lần hành quân ra mặt trận, nhất là những tháng ngày đến với mảnh đất Điện Biên lịch sử.

30 năm khúc hát “Chiếc xe thồ Điện Biên” ảnh 1
Nhạc sĩ Huy Thục chia sẻ, ông nhận thấy, chiến tranh không chỉ có mất mát và bi thương,
 ở đó còn có tuổi trẻ, có tình yêu, lý tưởng và sức sống mãnh liệt



Ông tâm sự, chỉ riêng về Điện Biên, ông có tới 8 ca khúc, gồm: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (phỏng thơ Tố Hữu), Tấm huy hiệu Điện Biên, Âm vang Điện Biên (nhạc không lời viết bằng bộ gõ), Từ Mường Lò tới Mường Thanh, Lời ru Điện Biên (Thơ: Hồ Khải Đại), Giữa Điện Biên khúc trầu văn, Pa vệ Sử mùa xuân về, Chiếc xe thồ Điện Biên. Trong đó, Chiếc xe thồ Điện Biên là ca khúc khiến ông trăn trở, suy nghĩ nhiều nhất. “Hình ảnh chiếc xe thồ khắc sâu vào trong tâm trí tôi từ những ngày hành quân lên Điện Biên. Kể từ đó, tôi đã nhiều lần viết về đề tài này nhưng đều không hay, không ra cái “hồn” của chiếc xe thồ”. 

30 năm khúc hát “Chiếc xe thồ Điện Biên” ảnh 2
Hình ảnh chiếc xe thồ luôn in đậm trong tâm trí người nhạc sĩ già


Từ sau chiến thắng Điện Biên, hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhạc sĩ Huy Thục lại xung phong vào đi B, vào mặt trận miền Nam chiến đấu, trên đường hành quân, gặp lại những chiếc xe thồ ngày đêm chở lương thực, gạo và súng đạn ra mặt trận, nỗi trăn trở trong ông càng lớn hơn. Ông chia sẻ, “Hình ảnh đoàn thanh niên xung phong, hình ảnh chiếc xe thồ cứ ám ảnh trong tôi và khi gặp lại, những hình ảnh này càng thôi thúc tôi phải viết một ca khúc về chiếc xe độc đáo này”. Nhưng viết sao đây? Phải viết thế nào để không đi theo lối mòn, để tránh những bom rơi, đạn lạc, tránh sự đau thương, mất mát của chiến tranh? Viết làm sao để trong đó thấy được sự lạc quan yêu đời của những người thanh niên xung phong?.... Những câu hỏi ấy cứ vang vọng trong tâm trí người nhạc sĩ.

30 năm khúc hát “Chiếc xe thồ Điện Biên” ảnh 3
Nhạc sĩ Huy Thục tâm sự, người bình thường mà đẩy chiếc xe thồ đó
đi được chỉ một quãng đường ngắn thôi cũng đủ sụn lưng, thế nhưng,
 lực lượng dân công ngày đó đã làm nên điều kỳ diệu...



30 năm sau ngày giải phóng Điện Biên, nhạc sĩ Huy Thục trở lại chiến trường xưa. Ông đến Điện Biên, vào thăm bảo tàng lịch sử và gặp lại hình ảnh chiếc xe thồ năm xưa. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu ông, và ca khúc “Chiếc xe thồ Điện Biên” ra đời sau chuyến đi ấy. 
“Pì pì pò pì pò!
Pí po pí po!
Pí pí po pí po!
Nghe tường như tiếng ô tô
Thác reo sấm vang
Tiếng chuông xốn xang
Keng kính keng kính keng…”
Nhạc sĩ Huy Thục chia sẻ, bài hát này ông viết ra để dành tặng thế hệ thanh niên xung phong, những người vượt qua biết bao gian khó, mất mát và hi sinh, để đến những nơi mà sự sống và cái chết trở nên mong manh hơn lúc nào, thế nhưng, từng đoàn, từng đoàn xe thồ vẫn ngày đêm ra chiến trường, vận chuyển hàng hóa và lương thực. Ở giữa nơi bom rơi, đạn lạc đó, nhạc sĩ Huy Thục đã nhận ra, tuổi trẻ, tình yêu và niềm tin mãnh liệt của những người thanh niên xung phong. Và những tiếng “Pì pì po pì pò” hay “Keng kính keng kính keng” trong đoạn đầu ca khúc đã nói lên sự lạc quan yêu đời của thế hệ thanh niên xung phong ngày đó.
30 năm khúc hát “Chiếc xe thồ Điện Biên” ảnh 4
Và ông nhận ra rằng, sức mạnh đó đến từ tuổi trẻ, tình yêu và sức sống

“Kính kính keng keng kính keng
Tránh ra xa tránh xa
Cho đoàn xe thồ anh đi
Trước một tí hỡi em mở đường ơi!
Mặt trận đang chờ đợi
Súng đạn và lương khô
Xe thồ anh lên chốt
Cố gắng vượt qua đèo dốc
Mang cả tình yêu thương
Của tấm lòng quê hương”
Chiếc xe thồ phải đi cả ngày lẫn đêm để vận chuyển quân lương ra chiến trường. Ông kể rằng, “từng đoàn, từng đoàn xe thồ ra chiến trường, nếu một chiếc xe chậm lại sẽ kéo theo cả một đoàn người, chính vì thế, các chiến sĩ dân công tìm những thanh sắt và gõ vào xe tạo lên tiếng kính keng, thúc giục người đi trước nhanh chân ra chiến trường...”.  

Và điều khiến nhạc sĩ Huy Thục ngạc nhiên hơn cả, đó là việc đoàn xe thồ phải vượt qua một chặng đường dài và vô cùng gian nan, thế nhưng, số lương thực vận chuyển trên những chiếc xe đó không hề mất mát, dù chỉ một chút ít. “Thật ngạc nhiên, tiêu chuẩn ăn hàng ngày của dân công hỏa tuyến lúc bấy giờ chỉ là những nắm cơm được chuẩn bị sẵn ở các trạm dừng chân, nhưng họ phải thồ một bên là gạo, một bên là lương khô, những chuyến hàng lên tới cả tấn, vậy mà trọng lượng số hàng này khi đến chiến trường không hề thay đổi”, nhạc sĩ Huy Thục kể lại.

Không chỉ chở lương thực, các chiến sĩ văn công còn mang theo phim ảnh để phục vụ người chiến sĩ sau những trận giao tranh quyết liệt, để các chiến sĩ được thấy cảnh bình dị nơi quê nhà và tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ bằng hình ảnh thắng trận …

30 năm khúc hát “Chiếc xe thồ Điện Biên” ảnh 5
Sự lạc quan ấy theo nhạc sĩ Huy Thục qua 2 trận chiến và cho đến tận bây giờ


Ông kể rằng, chiến tranh không chỉ có bom và đạn, không chỉ có sự mất mát và hi sinh, mà ở đó còn có lý tưởng, có tình yêu, có sức sống của tuổi trẻ. Và tình yêu trong chiến tranh mộc mạc, giản dị nhưng cũng thật mãnh liệt và nên thơ. Cũng bởi thế mà “giữa đèo xe xịt lốp” để lấy cớ “đợi chờ em lên”,  cùng nhau “đón gió đèo Pha Đin” và rồi “thương nhớ như nhện chăng tơ”. Nhờ tình yêu đó, họ vượt qua tất cả những gian khổ và hi sinh, để những chiếc xe thồ quện vào những chiến công vang dội của đất nước.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 đến 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao. Mỗi đoàn xe thồ có một xe chuyên chở phụ tùng thay thế, sửa chữa dọc đường.
Thời gian đầu, mỗi xe thồ chỉ chở được 80 đến 100kg, sau trọng tải được tăng dần lên nhờ các sáng kiến cải tiến gá, buộc. Hai chiếc xe thồ “gá” lại có thể chở được 2 thương binh nặng (nằm) và 4 thương binh nhẹ (ngồi). Các xe đạp có đèn phát điện còn được sử dụng để tạo ánh sáng phục vụ các bác sĩ phẫu thuật trong đêm… “Kỷ lục” vận chuyển bằng xe đạp thồ thuộc về chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng (Đoàn Phú Thọ) có chuyến chở 352kg hàng.