3 thách thức với lực lượng “mũ nồi xanh”

ANTĐ - Phái bộ gìn giữ hòa bình hỗn hợp của LHQ và Liên minh châu Phi tại Darfur (UNAMID) lại vừa chịu thêm tổn thất khi 7 binh sĩ thiệt mạng và 17 binh sĩ bị thương trong một vụ phục kích do một số tay súng không rõ danh tính tiến hành hôm 13-7.

Lực lượng giữ gìn hòa bình của LHQ ở Darfur

Cuộc xung đột tại Darfur bùng phát năm 2003, khi các nhóm sắc tộc vũ trang nổi dậy chống lại Chính phủ Sudan với lý do bị chính quyền đàn áp. Báo chí mô tả Chính quyền Sudan đã sử dụng thành phần dân quân Ảrập do họ huấn luyện và vũ trang khủng bố dân chúng ở Darfur bằng mọi hình thức, kể cả việc tàn sát và cưỡng hiếp tập thể. Còn theo các giới chức LHQ, có đến 300 nghìn người đã bị giết và hơn 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Để tránh nguy cơ xung đột leo thang, từ cuối năm 2007, khoảng 24 nghìn binh sĩ UNAMID đã được cử đến Darfur trong vai trò gìn giữ hòa bình. Tình hình phần nào đã được kiểm soát nhưng cái giá phải trả là hàng chục binh lính thuộc lực lượng UNAMID thiệt mạng trong các cuộc tập kích của các tay súng chống đối. 

Vụ tập kích hôm 13-7 là vụ gây tổn thất lớn nhất trong 5 năm hoạt động của UNAMID ở Darfur. Con số thương vong lớn khiến Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phải lên án mạnh mẽ vụ tấn công và yêu cầu Chính phủ Sudan nhanh chóng đưa ra xét xử các phần tử gây bạo loạn. Nó cho thấy vai trò gìn giữ hòa bình của LHQ đang gặp những thách thức nghiêm trọng.

Năm 1948, LHQ bắt đầu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đầu tiên và coi đó là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm giúp các nước và khu vực có xung đột giải quyết khủng hoảng và duy trì hòa bình. Hiện tại, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đã có khoảng 120 nghìn binh sĩ, cảnh sát và nhân viên LHQ từ 117 nước, triển khai ở 17 khu vực nóng trên thế giới. 

Theo thời gian, nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ngày càng trở nên phức tạp. Nó không chỉ bó hẹp trong vấn đề bảo đảm hòa bình và an ninh, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác, như bảo vệ người dân, hỗ trợ bầu cử, tái thiết các khu vực xung đột... Trong khi đó, các vụ xung đột trên thế giới ngày càng phức tạp, nguồn lực của LHQ lại hạn chế, sự bất đồng về ngôn ngữ cũng khiến việc thực hiện các nhiệm vụ khó khăn hơn.

Chính vì thế mà theo thống kê của LHQ, đã có khoảng 2.400 binh sĩ tham gia lực lượng LHQ chết khi làm nhiệm vụ tại các điểm nóng trên khắp thế giới. Thực tế cũng cho thấy khoảng cách giữa nhu cầu thực tế với khả năng đáp ứng của LHQ đang ngày càng lớn thêm. Nhân ngày quốc tế gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (29-5) vừa rồi, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thừa nhận 3 thách thức mà lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ đang phải đối mặt.

Thứ nhất, đó là việc hỗ trợ các tiến trình chính trị phức tạp và bảo vệ người dân trong môi trường rủi ro cao với do nhiều mối đe dọa khác nhau. Thách thức thứ hai là đảm bảo cho nhân viên được huấn luyện và trang bị để đối phó với các thách thức mới và hoạt động trong môi trường ngày càng khó khăn. Và thách thức cuối cùng là sự đòi hỏi về những hỗ trợ cả về vật chất và chính trị bền vững từ Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như từ các nước đóng góp nhân sự, tiền bạc cho hoạt động này.

Chiếc mũ nồi xanh - hình ảnh luôn đi liền với những binh sĩ gìn giữ hòa bình LHQ sẽ không thể được duy trì và tôn vinh nếu như không có nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế.