3 nữ nhà văn hẹn nhau cùng ra sách

ANTD.VN - Sáng ngày 8/8, NXB Trẻ tổ chức buổi ra mắt sách của 3 nữ nhà văn – nhà báo: Võ Thị Xuân Hà với tập truyện ngắn “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời”, Thùy Dương với tiểu thuyết “Lạc lối” và Y Ban với tập truyện ngắn “Có thể có có thể không”.

Ba cuốn sách được viết bởi ba tác giả đều là những nhà văn – nhà báo, những cây bút nữ tiêu biểu cùng thế hệ, cùng học Viết văn Nguyễn Du, và đặc biệt, có mối quan hệ thân thiết với nhau. Ở cả ba tác phẩm này, độc giả cảm nhận được sợi dây kết nối chung đó là kể và gọi tên những cảm xúc của mỗi phận người bằng ngôn ngữ rất đời, được lấy cảm hứng từ tình yêu của con người với nhau.

“Có thể có có thể không” gồm 9 truyện ngắn chứa đựng cả sự bạo liệt lẫn dịu dàng, lôi cuốn ta bằng những tình tiết li kỳ đôi khi éo le, nhưng không phải là kiểu éo le của văn chương câu khách, bởi đằng sau đó luôn đọng lại nỗi ám ảnh mơ hồ, khiến ta day dứt, nhất là khi tác giả viết về thân phận người phụ nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi bởi luôn đeo mang nhiều gánh nặng hủ tục mà không phải lúc nào họ cũng được sẻ chia. Các truyện ngắn có thể khác nhau về mô típ hoặc cách kể nhưng lại liên thông bằng những dự cảm, để kết nối thành một tổng thể hài hòa.

Y Ban với những trăn trở về cuộc sống gia đình trong xã hội đầy biến động với những chông chênh và hằn lên ranh giới bị phá vỡ. Một tuổi thơ đầy ám ảnh của Thảo bị so sánh trong giọng đay nghiến, miệt thị của người cha khiến Thảo bị trầm cảm rồi tự tử không thành cho đến một ngày chết đi trong ốm đau khi còn trẻ. Đó chỉ là một mảnh đời nhỏ trong “Con phải sống sao đây”.

“Lạc lối” của Thùy Dương xoay quanh ba nhân vật chính là ba cô bạn học cũ trong vòng xoáy tranh đoạt tình, tiền và quyền lực. Thùy Dương kể khéo, lạnh và tỉnh về những mưu toan của đấu đá chức quyền, những tinh quái của thương trường và những lắt léo của tình người. Để rồi khi nhìn lại, đâm đầu, va đập, giẫm đạp lên nhau để chạy đua trong cuộc đời, tưởng chừng chạy được đến nơi nào đó rồi lại ngỡ hóa ra không?

Trong rất nhiều những bộn bè của cuộc sống, Võ Thị Xuân Hà luôn tìm thấy câu chuyện để kể - hay chính tác giả toan gắn mình vào với những cuộc đời - tiểu thuyết kia để mà sắm vai người thuật lại như một niềm hạnh ngộ. “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời” không miêu tả một cái “có thật” mà là một ấn tượng về sự “có thật”, “các nhân vật có thật” của chị, vì thế, cứ hiện ra rồi nhòa đi ngay trong một làn sương mỏng chập chờn tiểu thuyết.

Nhà văn Y Ban, Thùy Dương và Xuân Hà (lần lượt thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng độc giả

“Với 30 năm theo nghiệp viết, cả ba chúng tôi đều phải trả giá và không phải ai cũng hiểu được điều đó. Có thể từ bỏ công việc ổn định bố mẹ cất công lo cho để rồi rơi xuống vực sâu, không biết đi về đâu nhưng chúng tôi vẫn trăn trở và viết ra những trải nghiệm của cuộc sống bằng ngôn ngữ của mình”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ.

Có thể nói, dù là câu chuyện buồn về giáo dục trong gia đình Thảo và Thu trong “Con phải sống sao đây?” (Có thể có có thể không – Y Ban) hay cuộc chiến đơn phương của bà mẹ cùng đứa con bị ung thư máu trong sự lãnh cảm của người chồng trong “Bên hàng trúc trên tầng thượng” (Chuyện của các nhân vật có thật trên đời – Võ Thị Xuân Hà)…thì cũng đều là những câu chuyện về cuộc sống khiến ai đọc cũng tự vấn lại mình. Nhịp sống hằng ngày của mỗi người được diễn ra và tiếp nối bởi những yêu, ghét, giận hờn để rồi bắt gặp những mảnh đời trong trang sách kia, chúng ta ngoái nhìn lại xem mình ở đâu, mình là ai và mình đang làm điều gì giữa thế gian rộng lớn này.