3 lý do để Mỹ quay lại với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dư luận đặc biệt quan tâm liệu Tổng thống Joe Biden có đưa Mỹ quay lại với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP) hay không? Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định rằng sự quay lại này là tất yếu.
Dệt may là ngành hàng điển hình được hưởng lợi ích từ CPTPP

Dệt may là ngành hàng điển hình được hưởng lợi ích từ CPTPP

- Thứ nhất, về mặt cá nhân, bản thân ông Joe Biden là người ủng hộ TPP, trực tiếp và gián tiếp, bởi đã từng là Phó Tổng thống Mỹ thời ông Obama, giai đoạn mà TPP được định hình với vai trò trụ cột và sự dẫn dắt của Mỹ (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thiết chế kinh tế đa phương do Mỹ khởi xướng, được đánh giá là một trong những thành tựu quan trọng nhất của chính quyền Mỹ thời ông Barack Obama làm Tổng thống).

Đặc biệt, ông Joe Biden từng nói trong một buổi tranh luận ở Detroit với các đối thủ tranh cử Tổng thống của Đảng Dân chủ hồi tháng 1-2019 rằng ông sẽ đàm phán lại TPP nếu trở thành Tổng thống. Ông nhấn mạnh: “Hoặc là Trung Quốc sẽ đặt ra các quy tắc thương mại của thế kỷ XXI hoặc là chúng ta sẽ làm điều đó”. Cũng trong thời gian tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden nói với Trung tâm Nghiên cứu Council on Foreign Relations rằng dù TPP không phải là một Hiệp định hoàn hảo, nhưng nó là một phương thức tốt cho các quốc gia cùng tập hợp lại “để kiềm chế sự thái quá của Trung Quốc”.

Như vậy, về logic, truyền thống và uy tín cá nhân, ông đã, đang và sẽ cần tiếp tục bảo vệ những giá trị mà ông đã từng theo đuổi khi còn là Phó Tổng thống. Việc ông không đưa Mỹ quay lại TPP có nghĩa là ít nhiều ông ủng hộ, hay chí ít cũng bị ảnh hưởng bởi quyết định rút Mỹ khỏi TPP của cựu Tổng thống Donald Trump (Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP vào năm 2017, khiến 11 nước còn lại phải đàm phán và ký kết Hiệp định mới có tên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - gọi tắt là Hiệp định CPTPP vào ngày 8-3-2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 30-12-2018. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14-1-2019). Do vậy, không có gì bất thường sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden cần giữ lời hứa với cử tri Mỹ và để ngỏ khả năng “đàm phán lại” việc tái gia nhập tổ chức này.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

- Thứ hai, CPTPP thực chất là TPP chép lại, chỉ thiếu 20 điều khoản liên quan trực tiếp với Mỹ đang được “treo” và sẽ được khởi động trở lại nếu Mỹ tiếp tục tham gia. Bởi vậy, không có cản trở pháp lý và nội dung cần đàm phán nào cho việc Mỹ quay lại CPTPP. Hơn nữa, CPTPP được tất cả các bên tham gia đàm phán và ký kết đánh giá là Hiệp định công bằng và cùng có lợi cho tất cả các thanh viên sau chuỗi dài các cuộc đàm phán công phu và căng thẳng ngót chục năm. Mỹ có vai trò chủ chốt trong thúc đẩy tiến độ, chuyển hóa và nâng tầm đẳng cấp cho TPP như là một FTA thế hệ mới có thể định dạng khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế cho toàn cầu, nên không thể bỏ qua những lợi ích mà CPTPP sẽ đem lại cho Mỹ khi 20 điều khoản của TPP còn treo ở CPTPP sẽ được khởi động lại.

- Thứ ba, CPTPP với tư cách là một Hiệp định mở, ngày càng có triển vọng hiện thực hóa mở rộng thành viên cho cả Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và nhiều nước khác tham gia. Cụ thể, ngày 1-2-2021, Bộ trưởng Bộ Thương mại Anh Liz Truss đã chính thức đề nghị với những người đồng cấp Nhật Bản và New Zealand về việc gia nhập CPTPP. Động thái này có nghĩa là Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên chính thức đăng ký tham gia CPTPP. Không chỉ Anh, Trung Quốc, chính quyền Hàn Quốc của Tổng thống Moon Jae-in cũng tuyên bố sẽ nỗ lực gia nhập CPTPP. Tại nhiều thời điểm khác nhau, Thái Lan, Philippines và Indonesia đều bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia CPTPP.

Do đó, trong tương lai, CPTPP có khả năng vượt tầm TPP và việc Mỹ quay lại tổ chức này là lựa chọn khôn ngoan cần thiết để Mỹ triển khai thành công chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương và góp phần tạo “cốt vật chất kinh tế” bảo đảm tự do hóa hàng hải khu vực Biển Đông mà nước này tuyên bố từ thời ông Joe Biden đã từng là Phó Tổng Thống Mỹ. Động lực và cả áp lực này càng đậm nét hơn trong bối cảnh RCEP do Trung Quốc chủ xướng vừa được ký tháng 11-2020 và được kỳ vọng trở thành khu vực các nền kinh tế lớn nhất thế giới, với khối 10 quốc gia ASEAN và 5 nước khác trong khu vực Thái Bình Dương gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản và New Zealand, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.

Trong cương lĩnh năm 2020, Đảng Dân chủ của Joe Biden tuyên bố: Chúng tôi sẽ không đàm phán bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào, trước khi cải thiện khả năng cạnh tranh của Mỹ trên sân nhà. Điều này hàm chứa một thông điệp rằng việc đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định thương mại với khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là một thách thức khó khăn, nhưng là điều mà Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn hay không cũng buộc phải quan tâm tới. Nói cách khác, khả năng tái gia nhập CPTPP của Mỹ thời chính quyền Joe Biden chưa thể sớm diễn ra ngay trước mắt, song là tất yếu trong thời gian tới bởi sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho bản thân Mỹ hơn trong tiếp tục vai trò dẫn đầu về thương mại toàn cầu và ngăn chặn việc Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ trong vai trò lãnh đạo thế giới.

Thực tiễn thế giới đã và đang cho thấy, sự cân bằng và hài hòa lợi ích sẽ tạo lực đẩy manh mẽ để vượt qua mọi rào cản khác và mở đường thông qua các quyết định đúng đắn cần thiết vào thời điểm thích hợp. Lợi ích kinh tế luôn có tiếng nói riêng, quyết định và tự tìm đường đi cho mình!