3 câu chuyện đáng suy ngẫm

ANTĐ - Chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau rằng, đường dây nóng (ĐDN) Báo ANTĐ giống như tổng đài tư vấn, bởi lẽ những thông tin mà bạn đọc phản ánh chứa đựng muôn mặt của cuộc sống. Tuy nhiên, không phải lúc nào những thông tin mà người dân cung cấp cũng “nóng” mà đơn giản chỉ là những câu chuyện đáng nhớ để chúng tôi cùng mỉm cười và suy ngẫm.

Phóng viên Báo ANTĐ đang trao đổi với người dân trong vụ sập nhà

ở 49 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội

Hàng xóm thể hiện tình yêu quá đà

“Alô. Đây có phải ĐDN Báo ANTĐ không? Tôi đang có chuyện rất bức xúc, cần phóng viên đến xác minh ngay...”. “Vâng…”, tôi chưa kịp trả lời thì người đàn ông này giới thiệu tên là N.V.T, ở phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, 56 tuổi, vợ mất đã 4 năm và hiện đang sống một mình. Do sống đối diện nhà ông là một căp vợ chồng trẻ, cửa sổ 2 nhà lại nhìn sang nhau nên mọi sinh hoạt của họ như cái gai đập vào mắt ông mỗi ngày. Ông T than vãn, cứ về đến nhà là họ lại âu yếm, thể hiện tình cảm bằng những cái ôm hôn say đắm khiến ông T rất “nóng mắt”. 
“Đấy cô xem họ làm thế thì ai mà chẳng bức xúc. Đành rằng thể hiện tình yêu là tự do của mỗi cá nhân, nhưng làm gì thì làm cũng phải ý tứ một chút... Có hôm hôn nhau xong họ còn làm “chuyện ấy” mà chẳng thèm quan tâm có ai nhìn thấy hay không. Đây là hành vi quấy rối tình dục. Cô phải đến xác minh, giải quyết giúp tôi...”. “Đúng là một ca khó” - tôi tự nhủ. Thấy ông T có vẻ bớt bức xúc hơn sau khi giãi bày, tôi từ tốn hỏi: “Thế bác đã bao giờ gặp trực tiếp và góp ý với họ chưa ạ”. “Tôi đã phản ánh với ông tổ trưởng để ông ấy nói chuyện với họ, tôi chẳng rỗi hơi...”, ông T bực bội. 
“Thế bác tổ trưởng đã nói chuyện với họ chưa ạ”, tôi vẫn kiên nhẫn hỏi ông T. “Rồi...! Ông ấy giải thích đây là chuyện tế nhị, vì vậy tôi nên gặp trực tiếp, góp ý với họ...”. “Vâng tôi cũng nghĩ thế. Có thể hành động của họ chỉ là vô tình. Hơn nữa, do họ là những người trẻ, nhiều khi cách biểu hiện tình cảm hơi thái quá nên đã vô tình ảnh hưởng đến bác...”. “Cô nói nghe cũng hợp tình, hợp lý nhưng ĐDN của Báo ANTĐ là để giải quyết những bức xúc cho người dân. Tóm lại, cô có đến giải quyết giúp tôi không?...”, ông T hỏi. Sau khi nghe tôi giải thích đó là chuyện riêng của mỗi gia đình, vì vậy ông T nên tìm cơ hội để góp ý với cặp vợ chồng trẻ. Nếu họ là những người có văn hóa, họ sẽ biết cách điều chỉnh và có cách thể hiện tình cảm kín đáo, tế nhị hơn. Không biết có phải sau khi nghe những lời giải thích của tôi, ông T hiểu ra vấn đề hay bởi vì sau một hồi xả những bức xúc trong lòng ông T cất giọng nhẹ nhàng: “Có lẽ tôi cũng nên góp ý với họ xem sao. Cảm ơn chị đã kiên nhẫn lắng nghe. ĐDN đúng là người bạn của người dân. Lần sau có gì bức xúc, nhất định tôi lại gọi đến ĐDN...”. Cúp máy điện thoại tôi hít thật sâu tự nhủ: “Hy vọng không có lần nào như thế nữa…”. 

Tưởng tượng vợ bị tra tấn

Với công việc của phóng viên thì buổi chiều luôn là khoảng thời gian bận rộn nhất. Đây là thời điểm chúng tôi phải hoàn thành những bài viết sau một ngày thu thập thông tin. Giống như mọi buổi chiều, trong lúc tiếng bàn phím máy tính phát ra những âm thanh rộn rã, bỗng tôi nhận được điện thoại của một người đàn ông với giọng nói hốt hoảng: “Xin chị hãy cứu vợ tôi, cô ấy đang gặp nguy hiểm, cần được giúp đỡ…”. “Anh hãy bình tĩnh trình bày sự việc thì tôi mới biết để tư vấn giúp anh được”, tôi trấn an người đàn ông đang nói chuyện trên điện thoại. Lúc này, anh ta tự giới thiệu tên là T.T.H, quê ở Nam Định. Vì muốn đổi đời, thoát khỏi cuộc sống quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nên cách đây hơn 1 năm vợ chồng anh đã dành toàn bộ số tiền tích cóp và vay mượn thêm họ hàng để lo cho vợ đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan (Trung Quốc). Sau nhiều lần thay đổi công việc, đến đầu năm 2012 vợ anh gọi điện thoại về thông báo chị đã tìm được một công việc tương đối ổn định, đó là làm giúp việc cho một gia đình giàu có ở Đài Loan (Trung Quốc). Họ trả lương cao và đối xử tử tế nên chị sẽ gửi tiền đều đặn cho anh để trả nợ họ hàng.
Kể từ lúc tìm được công việc mới, tuần nào vợ anh T cũng gọi điện về nhà để hỏi thăm sức khỏe chồng con. Bẵng đi 2 tháng, những cuộc điện thoại của vợ anh T thưa dần. Thậm chí, anh T còn cho biết, lần gần đây nhất anh nghe thấy giọng nói của vợ mình trên điện thoại có vẻ lo lắng, hốt hoảng và chị đã cúp máy khi đang nói chuyện. “Tôi sợ rằng vợ mình đang bị chủ nhà hành hạ, đánh đập, tra tấn, sợ tôi lo lắng nên cô ấy đã không nói cho tôi biết. Vì vậy, tôi rất muốn phóng viên đến xác minh, điều tra…”. Sau khi chia sẻ với anh T, tôi đã giải thích những lo lắng của anh là chưa có cơ sở. Bởi vậy, tôi đã hướng dẫn anh T liên hệ với những cơ quan đại diện của Việt Nam đang thường trú tại Đài Loan (Trung Quốc) để tìm hiểu rõ thông tin. Trước những giải thích của tôi, anh T vẫn một mực yêu cầu phóng viên Báo ANTĐ phải tìm cách can thiệp và tìm hiểu thông tin. Không còn cách nào khác, tôi đã đề nghị anh T để lại số điện thoại và hứa sẽ liên lạc trong thời gian sớm nhất. Ngay sáng hôm sau, tôi gọi điện đến số điện thoại của anh T nhưng không thấy trả lời. Sau nhiều lần liên lạc, tôi được một người phụ nữ tự xưng là chị gái của anh T nhấc máy. Lúc này, tôi được người phụ nữ này cho hay, gần đây anh T bị mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt, luôn tưởng tượng những sự việc đáng sợ xảy ra với vợ mình. Gần đây nhất, sau khi nói chuyện trên điện thoại và biết bệnh tình của chồng, vợ anh T đã khóc rất nhiều và hứa trong vòng một tháng sẽ thu xếp về chạy chữa cho chồng. Sau khi nói chuyện với vợ, anh T đã tưởng tượng ra những chuyện này và gọi điện đến ĐDN để nhận được sự giúp đỡ. 

Ám ảnh về ngày tận thế

Có lẽ, ngày 21-12-2012 là một ngày đáng nhớ đối với tất cả mọi người trên thế giới, bởi cuốn lịch của người Maya cổ đại đã bị hiểu lầm và đây là nguyên nhân dẫn đến thông tin đó sẽ là ngày tận thế của loài người. Dù bán tín, bán nghi, nhưng trước nỗi ám ảnh của con người ở thời hiện đại, cùng sự lan tỏa của thông tin này trên mạng internet đã khiến không ít bạn đọc gọi điện đến ĐDN để hỏi rõ thực hư. Tôi vẫn còn nhớ, đó là một buổi sáng mùa đông, khi “Ngày tận thế” mà mọi người dự đoán chỉ còn cách 3 ngày, N.Q.A, sinh viên một trường đại học đã gọi điện đến ĐDN hỏi về những giấc mơ xảy đến với mình gần đây.
Theo lời kể của Q.A, trong khoảng 1 tuần, Q.A có những giấc mơ rất kỳ lạ, cùng một nội dung và lặp đi lặp lại đều đặn. Trong giấc mơ, Q.A thấy thành phố chìm trong biển nước, những vùng đất ở trên cao nứt toác ra tạo thành những kẽ hở khổng lồ, nuốt chửng toàn bộ nhà cửa, xe cộ. Trong mơ, Q.A còn thấy mình bị dòng nước cuốn đi và nhấn chìm. Khi đang giãy giụa, ngụp lặn trong biển nước thì Q.A choàng tỉnh giấc. Cứ thế, giấc mơ lạ lùng ấy lặp đi, lặp lại. “Sự trùng lặp ấy phải mang một thông điệp nào đó, hay nói cách khác có phải ngày tận thế sẽ xảy ra như dự đoán của người Maya?!”, Q.A đã hỏi tôi đầy lo lắng. Sau cuộc “thẩm vấn” ngắn ngủi, tôi được biết để tìm hiểu về “Ngày tận thế”, Q.A đã lên mạng tìm kiếm thông tin và cả những câu chuyện mà mọi người thêu dệt. Thậm chí, Q.A còn sưu tầm nhiều bộ phim của Hollywood về ngày tận thế để lên giây cót tinh thần nếu ngày đó xảy ra. 
Chính những câu chuyện, bộ phim mà Q.A xem đã khiến cậu sinh viên này bị ám ảnh bởi những hình ảnh xảy ra trong đó. Sau khi đưa ra lý lẽ tại sao Q.A có những giấc mơ kỳ lạ đó và giải thích, ngày 21-12-2012, trên thực tế, chỉ là ngày kết thúc một chu kỳ theo lịch của người Maya, giống như chúng ta xé những tờ lịch cuối cùng của một năm và chuyển sang một năm mới, và cho dù 400 triệu năm nữa vẫn sẽ chẳng có điều gì xảy đến với trái đất của chúng ta thì Q.A đã phần nào yên tâm. “Hãy suy nghĩ tích cực và làm những việc có ý nghĩa như tập trung vào những kế hoạch của bản thân, gặp gỡ và giao lưu với bạn bè,… chắc chắn em sẽ không có những giấc mơ như vậy nữa…”, đó là lời khuyên mà tôi dành cho Q.A trước những lo lắng về “Ngày tận thế”. 
Cuối cùng thì ngày 21-12-2012 đã đến và đó cũng chỉ là một ngày bình thường giống như mọi ngày, cuộc sống vẫn yên bình như nó từng có. Tôi nhủ thầm, chắc hẳn cậu sinh viên gọi điện cho tôi 3 hôm trước hẳn sẽ rất hạnh phúc khi không có điều gì đáng sợ xảy ra với thế giới và bản thân mình. Còn với ĐDN vẫn không ngớt bận rộn và “nóng” bởi những thông tin mà bạn đọc gọi tới. Có lẽ đó là nơi chứa đựng nhiều cung bậc tình cảm và thông điệp của cuộc sống nhất mà tôi từng biết, nơi những phóng viên như tôi luôn cần có cho công việc của mình.