24 chiến sỹ công an gác bên nhà Đại tướng

ANTĐ - Sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi được coi là một trong những sự kiện gây xúc động nhất trong năm 2013. Cùng với nhiều cơ quan ban, ngành cũng như các tầng lớp nhân dân, lực lượng Công an Thủ đô đã trực tiếp tham dự và trở thành chứng nhân của sự kiện đó. Số báo cuối năm, phóng viên kể lại những chi tiết xúc động trong những ngày làm nhiệm vụ thiêng liêng.

Trong số hàng nghìn CBCS Công an Thủ đô vinh dự được chọn tham gia nhiệm vụ đặc biệt - đảm bảo ANTT những ngày diễn ra lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có một đơn vị vỏn vẹn 24 người luôn âm thầm đứng gác 24/24h bên ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu. 

Người dân cuối cùng được đặc cách vào viếng Đại tướng khi tư gia đã đóng cửa

Nhiệm vụ thiêng liêng

Đóng quân ở vị trí “trái tim” của quận Ba Đình, của Thủ đô và đất nước, CBCS CAP Điện Biên có nhiệm vụ tham gia đảm bảo ANTT hầu hết các kỳ cuộc, lễ hội lớn nhỏ. Vậy nhưng không ai trong số 24 CBCS ở đơn vị này nghĩ rằng, những ngày được cấp trên điều động, phân công ứng trực, duy trì ANTT bên ngôi nhà 30 Hoàng Diệu - thời khắc sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng... là nhiệm vụ. Với họ, mọi nỗ lực, cố gắng khởi nguồn từ con tim, lòng thành kính với Bác - “Người công dân danh dự, “đặc biệt” tại địa phương. 

Trung tá Phạm Doãn Đoàn - Trưởng CAP Điện Biên nhớ lại: Chiều 5-10, sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, đã có hàng trăm người dân từ khắp nơi tới trước cửa ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, để bày tỏ lòng thành kính trước vị anh hùng dân tộc. CAQ Ba Đình đã sớm tham mưu cho Quận ủy, UBND quận chỉ đạo Đảng, chính quyền phường Điện Biên tổ chức thăm hỏi, trao đổi nhanh với gia đình Đại tướng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Trước tình cảm của hàng trăm người dân đến dâng hoa, thắp nến trước cửa nhà, con trai và con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Võ Điện Biên và bà Võ Hòa Bình đã xúc động ra tận cổng để nói lời cảm tạ, đồng thời cho biết, do gia đình đang chuẩn bị hậu sự nên chưa thể đón tiếp khách. Từ chiều 6-10, ngôi nhà 30 Hoàng Diệu sẽ mở cửa đón nhân dân tới thăm, viếng. 

Phương án đảm bảo ANTT phục vụ nhân dân do vậy được CAQ Ba Đình triển khai, xây dựng ngay trong đêm, với những phần việc chính như: Bố trí, sắp xếp nơi trông giữ phương tiện ở khu vực Hoàng thành và vỉa hè đường Hoàng Diệu; huy động đoàn thể chính trị các cấp, lực lượng tình nguyện viên cùng phối hợp hướng dẫn nhân dân vào thăm, viếng; chuẩn bị nước, thực phẩm miễn phí, ô, mũ che nắng - mưa cho nhân dân và lực lượng phục vụ...; phối hợp với Lữ đoàn 144 - đơn vị quân đội bảo vệ tư gia Đại tướng, các lực lượng Công an TP lên phương án đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống trộm cắp, cướp tài sản. 

Cảm thương sâu sắc 

Nhớ lại kỷ niệm trong lần thực thi nhiệm vụ “đặc biệt”, bên ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, Đại úy Đào Ngọc Minh - Phó trưởng CAP Điện Biên kể: Để hướng dẫn cho hơn 1 triệu người vào thăm, viếng ở tư gia Đại tướng trong 6 ngày ấy, CBCS CAP đã căng mình, nỗ lực cùng các đơn vị liên quan chốt trực từ 2h sáng hàng ngày tại khu vực đường Hoàng Diệu, đến 23h đêm - khi những người dân cuối cùng rời nhà Đại tướng. Lịch trực tuy cố định, nhưng càng về những ngày cuối, dòng người từ khắp các tỉnh, TP, hải đảo xa xôi đến thăm nhà Đại tướng càng đông, nhiều người trải chiếu ngủ trên vỉa hè, xếp hàng cả đêm chờ đến sáng, nên CBCS công an vẫn phải luân phiên cắt cử, ứng trực. 

Lượng người đông là vậy, nhưng ai ai cũng xếp hàng trong trật tự. CBCS CAP Điện Biên được yêu cầu quán xuyến, dõi theo đoàn người xếp hàng gần khu vực nhà Đại tướng, kịp phát hiện trường hợp người già, khuyết tật, trẻ nhỏ... để ưu tiên mời họ vào tư gia thăm viếng trước. “Nhìn những cụ già 80-90 tuổi đi phải chống gậy, phải có người dìu nhưng vẫn cương quyết xếp hàng ngay ngắn, nhiều người ngồi xe lăn cũng kiên nhẫn chờ đợi, từ chối “quyền ưu tiên”... chúng tôi vô cùng cảm động, có thêm động lực quên đi mỏi mệt” - Đại úy Đào Ngọc Minh chia sẻ.

Theo thông báo từ trước, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ ngừng đón người dân vào thăm viếng hồi 18h ngày 10-10. Tuy nhiên, cánh cổng đã không thể khép lại cho đến tận 21h đêm hôm đó, trước tình cảm quá sâu đậm của người dân dành cho vị anh hùng dân tộc. 

21h đêm hôm đó, khi cánh cổng khép lại, ngoài tường rào, hàng ngàn người dân vẫn không chịu trở về. Nhiều người tưởng niệm Đại tướng bằng cách thắp nến lên các trụ tường rào; đứng chắp tay vái vọng bên ngoài, hay trao những bó hoa cho lực lượng cảnh vệ nhờ họ gửi viếng. 

22h30 - nhiệm vụ giữ gìn, đảm bảo ANTT, phục vụ, hướng dẫn nhân dân vào thăm, viếng Đại tướng gần như đã hoàn thành. Trong khi Đại úy Nguyễn Tiến Minh cùng lực lượng Cảnh vệ đang thông báo để người dân biết, gia đình Đại tướng đã đóng cửa, dừng tiếp đoàn thăm viếng để chuẩn bị tang lễ, mời bà con về nhà, thì bên kia đường vang lên tiếng khóc của một phụ nữ tuổi trung niên. “Tôi sang hỏi chuyện thì được biết, nhà người dân này quê ở Sơn La. Vì bận việc không thu xếp về thăm, viếng Đại tướng vào những ngày trước. Sáng 10-10, chị đón được xe khách về Hà Nội, không may lại bị tắc đường”. 22h khi đến được phố Hoàng Diệu, thấy tư gia cụ Giáp đóng cửa, ngừng tiếp khách, khiến chị nghẹn ngào. Sau khi trao đổi nhanh với lực lượng cảnh vệ, được sự đồng ý của gia đình Đại tướng, Đại úy Đào Ngọc Minh đã đặc cách dẫn người phụ nữ quê Sơn La này vào viếng. 

Theo chỉ huy CAP Điện Biên, sau những ngày Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình, cứ đến ngày mùng 1, ngày rằm, mới đây là 49 ngày mất của Đại tướng, vẫn có đông người dân đến gửi hoa, thắp nến tưởng niệm Người. “Chúng tôi luôn ý thức trách nhiệm với lòng thành kính tưởng nhớ đến Đại tướng - công dân “đặc biệt” của phường Điện Biên, nên những ngày đó đều cắt cử CBCS đến cổng tư gia Người, phối hợp với Cảnh vệ nhắc nhở, hướng dẫn bà con giữ gìn ANTT - Trưởng CAP Điện Biên chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục