21 ngày trong "vùng đỏ"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong năm 2021, có lẽ điều ấn tượng nhất đối với tôi là những ngày tác nghiệp tại “vùng đỏ” Văn Miếu - Văn Chương (quận Đống Đa, TP Hà Nội) vào thời điểm cuối tháng 8. Đó là những giây phút thử thách khả năng, ý chí của bản thân giữa lựa chọn dấn thân và lùi lại để đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như đồng nghiệp, gia đình. Nhưng rồi, giống như bao cán bộ, chiến sĩ, lực lượng chức năng của quận Đống Đa, tôi đã lựa chọn ở lại để sát cánh cùng chính quyền, nhân dân “vùng đỏ” trong suốt 21 ngày cách ly, phong tỏa.

Tiến lên hay lùi lại qua barie (?!)

21-8-2021 là ngày chủ nhật. Tôi và nhiều cán bộ, chiến sĩ CAQ Đống Đa lại gặp nhau đông đủ tại trụ sở để đi… test Covid-19 do vừa kết thúc cách ly. Rất may, toàn bộ anh em đều âm tính. 18h cùng ngày, Chủ tịch UBND quận Đống Đa đã ký văn bản phong tỏa toàn bộ 2 phường Văn Miếu - Văn Chương, do xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 cộng đồng. Ngay trong đêm, lực lượng chức năng quận đã thành lập các vòng phong tỏa khép kín địa bàn. Chúng tôi lại gặp nhau một lần nữa tại các điểm chốt.

Lực lượng chức năng trực chốt phong tỏa Văn Miếu - Văn Chương

Lực lượng chức năng trực chốt phong tỏa Văn Miếu - Văn Chương

Lúc này hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an quận được tăng cường vào “điểm nóng”, trong đó có nhiều nữ chiến sĩ còn đang nuôi con nhỏ. Với trách nhiệm là phóng viên địa bàn, áp lực đặt ra vừa phải thông tin một cách nhanh chóng về chủ trương, các biện pháp, hướng dẫn của chính quyền cơ sở, vừa phải phản ánh khách quan cuộc sống của gần 21.000 người dân trong vùng phong tỏa. Lúc này “Văn Miếu - Văn Chương” thực sự “nóng”, nói theo cách dân dã, bông đùa của anh em CBCS thì “đây là một khu vực… đỏ lòm”, tức là mức độ lây nhiễm cực cao. Một khi đã bước chân qua hàng rào phong tỏa để vào bên trong thì không ai có thể quay ra trước khi hết thời hạn cách ly. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ sống, làm việc trong vùng phong tỏa và chấp nhận mọi rủi ro có thể ập đến với mình.

Lúc này, tôi đứng trước hai lựa chọn: Tiến vào hoặc quay ra. Nếu vào bên trong thì tôi mới có thể ghi nhận những khó khăn của nhân dân, những nỗ lực của lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở trong việc chăm lo, đảm bảo đời sống cho bà con vùng cách ly. Và biết đâu, tôi có thể có cơ hội chứng kiến những câu chuyện chưa bao giờ nhìn thấy trong “vùng đỏ”. Còn nếu lùi lại, chắc chắn tôi sẽ có được sự an toàn cho bản thân, cho gia đình. Cuối cùng, tôi vẫn lựa chọn bước chân qua barie…

Những câu chuyện không quên

Đến bây giờ tôi vẫn tin quyết định của mình là đúng. Trong 21 ngày phong tỏa ở Văn Miếu - Văn Chương thật sự có rất nhiều kỷ niệm. Đó là những ngày tất tả truy vết đến quên ăn quên ngủ của lực lượng chức năng. Là những lúc nửa đêm vừa chợp mắt sau 1 ngày lăn xả đã giật mình choàng dậy vì tiếng chuông điện thoại báo tin có thêm ca lây nhiễm. Là những ngày đội mưa, hứng nắng vận chuyển hàng hóa lương thực tiếp tế cho nhân dân. Là 21 đêm gần như thức trắng túc trực tại các điểm chốt. Là mối quan hệ gần gũi thắm thiết tình quân dân, những câu chuyện về sự hy sinh và sẻ chia trong lúc khó khăn… Tất cả đã hiện lên đầy đủ và chân thực ở đợt bùng phát dịch lần thứ tư của Hà Nội.

PV Cấn Linh

PV Cấn Linh

Có lẽ, một trong những điều tôi có được để gửi gắm trong bài viết chuyển tới độc giả là sự gần gũi, chia sẻ của nhiều cán bộ, chiến sĩ. Một cán bộ CAQ Đống Đa nói với tôi rằng, anh thực sự xúc động khi đang trực chốt giữa đêm khuya thì bỗng một phụ nữ tất tả tiến lại gần. Hóa ra, chị ấy thương anh em cán bộ, chiến sĩ phải trực cả ngày lẫn đêm mà không có chỗ ngả lưng nên đã mang chiếc giường gấp của gia đình đến cho mượn. Không chỉ như vậy, nhiều người dân ở Văn Chương - Văn Miếu thấu hiểu những vất vả của lực lượng chức năng nên đã gửi tặng đồ ăn, nước uống cho anh em có sức “chiến đấu”.

Không chỉ như vậy, nghĩa tình quân dân còn thể hiện ở những câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ. Đó là khi những người lính trực chốt gặp tình huống một người phụ nữ khẩn thiết xin ra khỏi vùng phong tỏa để đón thợ vào sửa đường ống nước cho gia đình. Không thể làm sai quy định, nhưng cũng không thể bỏ mặc nhu cầu chính đáng của người dân, các cán bộ, chiến sĩ CAQ Đống Đa đã trực tiếp vào nhà để xử lý “gọn” vấn đề rắc rối này cho người dân.

Còn nhiều câu chuyện khác thật sự ấm lòng về sự sẻ chia giữa những người lính với nhân dân, đó là việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho 21.000 người dân trong vùng phong tỏa. Hay việc nhiều cán bộ Cảnh sát khu vực tự vận động, quyên góp ủng hộ và trực tiếp chia từng túi gạo, quả trứng, mớ rau đến những hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn… Đó chỉ là những hạt cát nhỏ trong hàng trăm câu chuyện xúc động ở “vùng đỏ” Văn Miếu - Văn Chương mà tôi có dịp được ghi lại trong những ngày tác nghiệp đáng nhớ.

Bí thư Quận ủy Đống Đa Đinh Trường Thọ: An ninh Thủ đô - tờ báo gắn bó, đồng hành trong những lúc căng thẳng, áp lực và hiểm nguy nhất

“Thời gian qua, Thủ đô Hà Nội nói chung và quận Đống Đa nói riêng đã trải qua những tháng ngày không ngơi nghỉ trong cuộc chiến phòng, chống “giặc” Covid-19. Là 1 trong 4 quận lõi của Hà Nội, đặc thù dân cư, địa bàn luôn có những tiềm ẩn phức tạp khiến dịch bệnh hoành hành. Chúng tôi ý thức rõ nguy cơ ấy và luôn động viên nhau quyết tâm hơn, bền bỉ hơn trong cuộc chiến còn dài phía trước.

Trong những ngày gian khó vừa qua, chúng tôi vẫn còn đọng mãi sự yêu thương, đùm bọc của từng cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình, sự tận tâm, tận lực, tận hiến của đội ngũ cán bộ cơ sở, nhân viên Y tế, Quân đội, Công an. Cá nhân tôi đánh giá cao sự vào cuộc, đồng hành với quận Đống Đa của các cơ quan báo chí, trong đó có An ninh Thủ đô.

Không chỉ chuyển tải hết sức kịp thời những chủ trương, chỉ đạo, kế hoạch của các cấp chính quyền đến người dân, báo chí đã phản ánh một cách sinh động, chân thực tình hình, nỗ lực, kết quả của quận Đống Đa trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Một bản tin, một hình ảnh kịp thời chính là động lực lớn để mỗi vị trí thêm vững mạnh, kiên cường trước “giặc” Covid-19. Trong thời điểm giải lao sau những giờ khắc mệt mỏi vì chống dịch, tôi đều tìm đọc tin tức trên An ninh Thủ đô và cảm nhận được sự dấn thân của các phóng viên. Họ đã gắn bó, thấu hiểu và chia sẻ với địa bàn trong những lúc căng thẳng, áp lực và hiểm nguy nhất”.