21 ngày nữa, Hiến pháp có hiệu lực

ANTĐ - Hôm qua (9-12), Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Hiến pháp sửa đổi, vừa được Quốc hội thông qua. 

Quyền sử dụng đất là một nội dung quan trọng được quy định trong Hiến pháp

Tại cuộc họp báo, ông Giang Sơn - Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Hiến pháp. Theo đó, tại kỳ họp thứ 6 ngày 28-11-2013, Khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi với tuyệt đại đa số đại biểu tán thành. Hiến pháp sẽ chính thức có hiệu lực từ 1-1-2014 với 11 chương, 120 điều.   

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - ông Phan Trung Lý cho biết, Hiến pháp không chỉ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội mà còn nêu cao tinh thần trách nhiệm của Đảng trước Nhân dân. “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân và chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” - ông Phan Trung Lý nhấn mạnh, đồng thời khẳng định đây chính là một trong những nội dung sửa đổi rất quan trọng so với Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp cũng làm rõ hơn những nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bổ sung một số quyền mới để phù hợp với các Điều ước quốc tế về quyền con người Việt Nam là thành viên. Chính vì thế trong Hiến pháp mới, chế định về quyền con người đã được đưa từ chương 5 lên chương 2, ngay sau chế định chế độ chính trị.

Về chế định kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, Hiến pháp xác định, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Tổ chức cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật… Giải thích thêm về nội dung này, ông Phan Trung Lý nêu rõ, đối với những dự án phát triển kinh tế - xã hội thì Nhà nước chỉ thu hồi đất khi dự án đó đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc HĐND tỉnh, thành phố thông qua… Điểm khác biệt nữa so với Hiến pháp 1992 là Hiến pháp mới có thêm chế định Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước, được quy định tại chương 10.       

Để có căn cứ pháp lý cho việc triển khai thi hành Hiến pháp vừa được thông qua, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp. Cụ thể, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội Khóa XIII tiếp tục hoạt động cho tới khi Quốc hội Khóa XIV họp kỳ đầu tiên; Chủ tịch nước, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hoạt động cho tới khi Quốc hội Khóa XIV bầu ra các cơ quan mới; HĐND, UBND tiếp tục hoạt động cho đến khi HĐND, UBND được thành lập theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp. Liên quan đến những nội dung mà Nghị quyết của Quốc hội đề cập, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Bầu cử HĐND và ban hành mới Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất vào kỳ họp thứ 10, tháng 10-2015.