2020 Mở ra những vận hội mới

ANTD.VN - 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, song cũng là năm tạo nền tảng để mở ra một giai đoạn phát triển mới. Thế nên, nếu chỉ coi năm 2020 là năm về đích, về đích rồi thì “nghỉ xả hơi”, chúng ta sẽ lỡ cơ hội để bứt phá…

Đó là những chia sẻ của đại biểu Quốc hội, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM - 1 trong 16 thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khi trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô.

2020 Mở ra những vận hội mới ảnh 1PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM 

- Năm 2019 tiếp tục là một năm có nhiều điểm sáng của nền kinh tế nước ta. Với góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam năm qua?

- Kinh tế Việt Nam trong năm 2019 vẫn tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh. Có thể nói gần như chắc chắn, chúng ta sẽ về đích đúng theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020. Điều quan trọng nhất là nước ta đã giữ được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong một thời gian khá dài nên tạo được nền tảng ổn định để tăng tốc. Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam 3 năm qua lần lượt là 6,21% (năm 2016), 6,81% (năm 2017), 7,08% (năm 2018) và năm 2019 dự báo trên 7%. 

Một điểm nữa cần nhắc đến, thành quả mà chúng ta đạt được hôm nay có dấu ấn từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (tháng 6-2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh cả về quy mô số lượng, chất lượng. Đặc biệt, sự xuất hiện và đóng góp của các Tập đoàn kinh tế tư nhân ngày càng nhiều hơn… Tín hiệu tích cực nữa, thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tin tưởng chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư. Sự tăng tốc của khu vực kinh tế tư nhân cùng với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trở thành hai yếu tố quan trọng hàng đầu giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì đà phát triển, nhất là trong bối cảnh khu vực kinh tế Nhà nước đang có sức ỳ lớn...

Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là vấn đề thể chế kinh tế. Điều Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục phải làm là tạo ra được thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, với những luật về kinh tế, đầu tư có tính dài hạn, để các nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian vừa qua, các đơn vị kinh tế tư nhân vẫn chủ yếu đầu tư ngắn hạn, số doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm rất nhiều nhưng số giải thể, ngừng hoạt động cũng tương đương và lý do quan trọng là bởi tư duy làm ăn ngắn hạn. Vấn đề nữa là phải giảm lãi suất để doanh nghiệp, nhà đầu tư có điều kiện tiếp cận, mạnh dạn vay vốn đầu tư.

- 2020 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020. Thường thì ở năm cuối nhiệm kỳ, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội bị ảnh hưởng không ít. Vậy theo ông, cần những giải pháp quan trọng gì để nền kinh tế có thể phát triển liền mạch?

- Phân tích tình hình kinh tế, chính trị quốc tế và trong nước hiện nay, rõ ràng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Có thể kể đến những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, vấn đề địa chính trị, tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, rồi các thách thức do diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, tác động của ô nhiễm môi trường…

Đặc biệt, năm 2020 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, tức là năm về đích nhưng nó lại là năm tạo nền tảng để mở ra cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo, giai đoạn 2021-2025. Thế nên, chúng ta phải quyết tâm, nỗ lực để cán đích nhanh và bắt tay ngay vào khâu chuyển tiếp, chuẩn bị cho giai đoạn mới, tránh tâm lý thường gặp là khi về đích, khi ở năm cuối nhiệm kỳ hay có tâm lý buông xuôi hoặc nghỉ xả hơi.

Tôi cho rằng, trong năm 2020, Chính phủ phải xác định coi cuộc cách mạng 4.0 là điểm nhấn, là điểm bứt phá, là động lực quan trọng. Cần lấy năm 2020 là năm sáng tạo, năm đổi mới, năm bứt phá dựa trên nền tảng cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Muốn vậy thì phải xây dựng hàng loạt chính sách để phục vụ cho sự phát triển này. Chúng ta cần có những thể chế cho các mô hình kinh tế mới, chẳng hạn mô hình “kinh tế chia sẻ”, “cho vay ngang hàng”… Hiện chính sách pháp luật về lĩnh vực này chưa theo kịp nên tạo ra sự lúng túng trong phát triển.

Vưa qua, trong các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua cũng đã lồng ghép các chính sách để khuyến khích phát triển công nghệ 4.0, chẳng hạn như những chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Đồng thời, Chính phủ cũng cần xây dựng một kế hoạch hành động tổng thể quốc gia về phát triển công nghệ 4.0. Cùng đó, cần xây dựng hệ thống đòn bẩy khuyến khích đầu tư, ưu đãi đầu tư, mở rộng các khu vườn ươm công nghệ, khu công nghệ sáng tạo. Đi kèm với nó là chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất, thuế… Có vậy, nền kinh tế nước ta mới tăng tốc, bứt phá được trong giai đoạn tiếp theo.

- Một vấn đề nữa khiến nhiều người băn khoăn, đó là Chính phủ dự định vay thêm gần 500.000 tỷ đồng nằm trong kế hoạch vay năm 2020 để cân đối ngân sách. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Con số 500.000 tỷ đồng hay một con số khác là chuyện bình thường, vấn đề là vay để làm gì? Đặc biệt, phải chú ý đến chuyển dịch cơ cấu ngân sách Nhà nước trong thời gian vừa qua theo hướng tích cực, trong đó chi đầu tư phát triển trước đây chỉ chiếm 22% trong tổng chi giờ đã lên tới 26-27% trong tổng chi, ngược lại chi tiêu dùng từ trên 65% trong tổng chi đã giảm xuống còn 60-61%. Vay nợ để bù đắp cho bội chi và trả nợ gốc hiện nay là mức bình thường bởi nó chiếm tỷ lệ thấp trong tổng mức nợ phải trả trên tổng chi ngân sách, mặc dù số tuyệt đối cao.

Điều mà Chính phủ nên tiếp tục kiểm soát là phải làm sao giảm các khoản chi một cách chặt chẽ để tiếp tục giảm bội chi ngân sách. Chính phủ đang thực hiện theo hướng đó và Quốc hội cũng giám sát vấn đề này.

- Xin cảm ơn ông!