20 năm "Thành phố vì hòa bình"

ANTD.VN - Với thành phố có tuổi đời hơn nghìn năm thì 20 năm chỉ như một thoáng chốc. Ta có thể tưởng tượng so sánh nó như vài năm ấu thơ của một đời người. Chập chững đi đứng, ngắm nhìn thế giới. Bập bẹ những tiếng nói đầu tiên. Được dạy và tự rèn giũa mình trở thành một con người hoàn chỉnh.

20 năm "Thành phố vì hòa bình" ảnh 1Nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 20 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”

Tất nhiên cái khái niệm “Thành phố vì hòa bình” rất cao xa và trừu tượng chứ hoàn toàn không dễ hiểu với những bộ óc thông thường. Những tiêu chí để đánh giá nó cũng phức tạp và công phu về nhiều mặt. Từ giáo dục cho đến khoa học và văn hóa. Gần như là toàn bộ bề mặt của một thành phố sinh động với những biểu hiện cụ thể bên ngoài.

Thoáng chốc 20 năm ấy của lịch sử Hà Nội nằm đúng trong giai đoạn thành phố chuyển mình dữ dội nhất. Cả về hình ảnh bộ mặt đô thị lẫn cơ cấu hình thành ra những công việc cụ thể làm nên cuộc sống Thủ đô. 20 năm từ chỗ người dân còn đang phải lo lắng đến miếng ăn hàng ngày thì nay điều lo lắng của họ nằm ở chất lượng thực phẩm chứ không còn là khẩu phần như trước nữa.

20 năm từ chỗ người Hà Nội băn khoăn tính toán may thêm một bộ quần áo, sắm thêm một đôi giày diện Tết, mua thêm một chiếc xe máy hay sắm chiếc tivi màn hình lớn hơn thì nay những thứ ấy nếu có thêm vào cũng chỉ là để lựa chọn một phương tiện tốt hơn mà thôi. Hẳn là ta vẫn còn rất nhớ những năm cuối của thập kỷ 90 mỗi khi có ai đó mua được chiếc xe máy mới thì gần như là một sự kiện đáng ăn mừng. Bạn bè vẫn thường nhắc nhở nhau về việc “rửa xe” như hệt ngày vẫn còn bao cấp vậy. Giờ thì mỗi khi ai đó mua thêm một căn hộ mới cũng còn rất ít người biết. Dĩ nhiên chẳng còn là chuyện mừng đến mức phải khao nữa.

“Thoáng chốc 20 năm ấy của lịch sử Hà Nội nằm đúng trong giai đoạn thành phố chuyển mình dữ dội nhất. Cả về hình ảnh bộ mặt đô thị lẫn cơ cấu hình thành ra những công việc cụ thể làm nên cuộc sống Thủ đô. 20 năm từ chỗ người dân còn đang phải lo lắng đến miếng ăn hàng ngày thì nay điều lo lắng của họ nằm ở chất lượng thực phẩm chứ không còn là khẩu phần như trước nữa. 20 năm từ chỗ người Hà Nội băn khoăn tính toán may thêm một bộ quần áo, sắm thêm một đôi giày diện Tết, mua thêm một chiếc xe máy hay sắm chiếc tivi màn hình lớn hơn thì nay những thứ ấy nếu có thêm vào cũng chỉ là để lựa chọn một phương tiện tốt hơn mà thôi...”. 

Dù rằng với những tiêu chí rất cụ thể tỉ mỉ ít người nắm được như thế nào là một “Thành phố vì hòa bình”. Tuy nhiên, có một cách hiểu giản dị nhất nằm ngay ở tên gọi cái tổ chức phong tặng. Đó là tổ chức UNESCO. Cơ quan của Liên hợp quốc này phụ trách việc phát triển giáo dục, văn hóa và khoa học. Họ luôn có những ý kiến sát sao cho việc phát triển và xây dựng của thành phố. Thật may mắn, điều mà họ quan tâm cũng giống như đa số người dân nơi này mong muốn. Những khu phố đan xen giữa bảo tồn và phát triển được tính toán kỹ lưỡng hơn.

Không còn cảnh một ngôi nhà của Cục thuế xây đá rửa mặt tiền bỗng một hôm bất ngờ mọc ra ở ngay góc Lương Văn Can - Hàng Bồ khu phố cổ nữa. Tương tự như thế, toàn bộ khu phố cổ vẫn giữ được thần thái yên bình nhỏ nhẹ dù rằng dân số ở đấy vẫn tăng lên hàng ngày. Thành phố đã có những sáng kiến rất đáng khen ngợi như tổ chức khu vực đi bộ quanh hồ Gươm. Đó là một sân chơi cho thị dân đã từng có và bị mất đi trong những năm chiến tranh bom đạn.

Muốn hiểu theo cách nào đi nữa thì cái phần thành phố hạt nhân là khu phố cổ vẫn luôn là đại diện cho hồn cốt một thành phố cũ. Nó không chỉ ở vài cá thể kiến trúc nhỏ bé mà nó nằm trong tổng hòa cấu tạo nên tinh thần dân phố. Một tinh thần xa xưa luôn ấm áp tình người và trách nhiệm với cộng đồng khá cao. Ta có thể bắt gặp vài kẻ làm bậy trong thang máy những chung cư mới cao tầng nhưng điều tương tự không bao giờ có thể xảy ra ở khu phố cổ.

Khi mà cư dân ở đấy biết rõ nhau đến vài đời. Người ta bày hàng ra mặt phố để bán và không bao giờ xâm lấn sang hàng bên cạnh dù chỉ một hàng gạch. Người bán hàng có khi đi vắng cả nửa ngày vẫn có thể nhờ hàng xóm trông hàng hộ. Cái tinh thần ấy có thể thu hẹp lại trong những cộng đồng nhỏ lẻ trên phố nhưng chưa bao giờ mất đi. Có thể nó bị pha loãng ra ở các vùng lân cận nhưng có một điều chắc chắn nó sẽ quay trở lại khi mà cuộc sống quanh ta đã ổn định, trật tự.

20 năm "Thành phố vì hòa bình" ảnh 2Nhà văn Đỗ Phấn

Nét thay đổi đặc sắc nhất có thể kể đến những ngôi chợ cũ trong thành phố. Dù đã nhiều lần tu sửa hoặc bị hỏa hoạn như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Bưởi… thì hôm nay đã có một gương mặt hoàn toàn khác hẳn. Nó lại trở về với nếp sống bình lặng chợ búa từ hơn nửa thế kỷ trước. Chợ Đồng Xuân thời chiến tranh đã từng được mệnh danh là một mét vuông có đến bốn thằng ăn cắp. Nói đến kẻ cắp chợ Đồng Xuân thì người các tỉnh về ai ai cũng biết ghê gớm đến như thế nào.

Cắt khuy, rạch túi, cản địa cả đàn ông và đàn bà đều tham gia vào đội quân ăn cắp dày đặc khắp trong chợ. Nhưng bây giờ ta thử bước chân vào chợ mà xem? Sẽ chẳng còn cái chen lấn náo nhiệt mua tranh bán cướp. Đám giang hồ anh chị bặt tăm có dễ cũng đến gần hai chục năm nay rồi. Người ta đi nhẹ, nói khẽ. Kẻ bán không vồ vập vồn vã mời chào mà người mua cũng nhỏ nhẹ mặc cả cho vui chuyện là chính.

Chẳng ai có thể lừa bán cho khách hàng một món hàng xấu hoặc giá trên trời. Cái ý thức bán mua như thế vào những năm 1960 thế kỷ trước là chủ đạo ở những ngôi chợ trong thành phố. Người bán đủ tự trọng để không bán đắt và người mua cũng đủ tự trọng để không mặc cả rẻ.

Vài người nước ngoài sống ở Hà Nội từng có những nhận xét rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Họ nói rằng cái vỉa hè Hà Nội chính là nơi biểu hiện rõ nhất của một nếp sống thị dân bình - dị - hòa - hiếu. Điều đó không sai. Nhưng cũng chẳng đúng. Bày hàng quán, nấu ăn, tắm giặt, phơi quần áo ngoài vỉa hè là tác phong mới có ở Hà Nội sau những năm 1960. Khi mà những công chức được phân chia những căn hộ hết sức nhỏ hẹp sống chung nhiều gia đình trong một số nhà.

Cộng với tình hình điện nước thiếu thốn triền miên nên vỉa hè bỗng chốc thành nơi sinh hoạt lè phè như thế. Giờ thì đã không còn chuyện ấy. Chỉ thấy lác đác ở những con ngõ nhỏ khuất nẻo là còn vài nơi như vậy. Muốn tìm nét sinh hoạt thân thiện hiếu khách ấy du khách đã có cả một khu vực rộng lớn quanh bờ hồ Hoàn Kiếm vào những ngày cuối tuần. Hóa ra quy hoạch một khu phố đi bộ như thế cũng nhanh chóng thành nếp sinh hoạt quen thuộc và văn minh được nhiều người ủng hộ.

Ý thức của người dân vẫn là quyết định then chốt để xây dựng một “Thành phố vì hòa bình” cho đúng nghĩa. Các cơ quan lãnh đạo thành phố là người khởi xướng những thay đổi. Phù hợp với nguyện vọng của người dân thì chắc chắn thành công.