20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới

ANTD.VN - Sau nhiều, rất nhiều những nỗ lực bền bỉ, năm 2018 này, huyện Gia Lâm (Hà Nội)  đã trọn vẹn 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, đồng chí Lê Anh Quân bày tỏ ngắn gọn: “Đặt và đạt mục tiêu nông thôn mới là niềm tin, niềm vui lớn của cấp ủy, chính quyền và người dân Gia Lâm”.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cùng lãnh đạo huyện Gia Lâm ghi nhận thực tế những điểm nông thôn mới trên địa bàn huyện Gia Lâm 

Câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở Gia Lâm là chặng đường bám sát Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” trên địa bàn. 

Có tốc độ đô thị hoá cao, cơ cấu ngành nông nghiệp giảm mạnh, song lãnh đạo Huyện quyết tâm đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh tập trung. “Chúng tôi đã thực hiện dồn điền đổi thửa đạt 1.174ha, đồng thời, hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho 100% nông hộ”, Chủ tịch Lê Anh Quân thông tin.

Sau dồn điền đổi thửa, huyện tập trung quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, đã có 75 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, hộ gia đình được phê duyệt, với tổng diện tích trên 1.000ha. Đây là tiền đề tốt để toàn Huyện hình thành 123 trang trại, gia trại chăn nuôi xa khu dân cư, 17 mô hình nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và 18 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Theo Chủ tịch Lê Anh Quân, việc hình thành khu đô thị Gia Lâm với 420ha và triển khai xây dựng 15 tuyến đường hạ tầng khung trên địa bàn Huyện tạo điều kiện phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế xã hội Huyện, và là cơ sở để Huyện được công nhận là Quận vào năm 2020.

Cũng nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của Huyện tăng bình quân 1,18%/năm; giá trị canh tác bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 212 triệu đồng (tăng 3,4 triệu đồng/ha so với năm 2015). Đến nay, 20/20 xã của Gia Lâm đã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, và qua rà duyệt tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn, có 9/9 tiêu chí đạt theo Bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg, ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

 “Đích” nông thôn mới cận kề, và thời điểm này, ở huyện Gia Lâm, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, an sinh xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Năm 2018, kinh tế Huyện duy trì mức ổn định, có bước phát triển và tăng cao hơn mức cùng kỳ năm 2017: Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do Huyện quản lý ước tăng 11,65% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 7.743.956 triệu đồng, bằng 289,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện được tập trung tối đa mọi nguồn lực, giai đoạn 2010 đến nay đã bố trí 4.201,31 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội. 

Nhiều nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao như: 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, dải nhựa apphal; 100% đường ngõ xóm trên 2m có điện chiếu sáng; 100% trạm y tế các xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 97% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 86,63% tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh (trong đó có 70,71% hộ gia đình sử dụng nước sạch)…; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 47,6 triệu đồng/người/năm, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,56%.

Chặng đường phía trước, lãnh đạo huyện Gia Lâm chia sẻ, sẽ tiếp tục bám sát chủ trương, chỉ đạo của Thành phố, chú trọng phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân trong điều kiện đô thị hóa, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn đô thị; phối hợp với các sở ngành, huy động sức dân tập trung giải quyết triệt để bài toán môi trường. 

Huyện tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh; quan tâm phát triển du lịch làng nghề (Bát Tràng, Kiêu Kỵ)... Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát triển các mô hình nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị ngành nông nghiệp; chú trọng xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nhất là thôn, làng, cụm dân cư trong sạch, vững mạnh. 

Với những phấn đấu và nỗ lực phát triển không ngừng, huyện Gia Lâm đã được Thành phố và Trung ương trao tặng nhiều bằng khen, danh hiệu và hình thức khen thưởng để ghi nhận những thành tích đã đạt được trong nhiều năm qua. Và năm 2018 này, huyện Gia Lâm đã được nhận Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua của TP Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục